Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Văn Quyết 11/09/2019 15:08

Năm học mới 2019-2020 là năm học nhiều đổi mới, hướng tới chất lượng dạy và học. Đối với các trường học miền núi, vùng xa xôi còn nhiều khó khăn thì chất lượng dạy và học là điều hết sức quan trọng, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Chăm chỉ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, sau 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2018, việc đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, miền núi là khá tốt. Mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, trường phổ thông ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên.

Hiện nay 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường Trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường phổ thông dân tộc nội trú; 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập. Từ năm 2016 - 2018, đã tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu vươn lên.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS và miền núi tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Nước ta có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng bào DTTS cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung; là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước với hệ thống chính sách đặc thù, giáo dục vùng DTTS và miền núi đã có những bước phát triển đáng kể. Mạng lưới trường lớp phát triển rộng khắp từ mầm non đến đại học. Đặc biệt, quy mô mạng lưới và chất lượng giáo dục trong các trường chuyên biệt được nâng lên. Tỉ lệ học sinh đến lớp ngày càng cao, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ cho 2 nhóm đối tượng học sinh và giáo viên. Các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm chính sách học bổng; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội, hỗ trợ học tập; chính sách ưu tiên tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người... đã và đang được thực hiện, tiếp tục cải thiện. Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn đang được hưởng các chính sách ưu đãi gồm: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các chính sách này góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Nhà nước đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non. Hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở. Các huyện đều có trường trung học phổ thông.

Đến nay, ở khu vực DTTS và miền núi đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.

Đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển giáo dục tại vùng đồng bào DTTS, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo bà Hà Thị Khiết- nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời, nhằm thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc, xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa “miền ngược và miền xuôi”, đòi hỏi công tác giáo dục ở các vùng DTTS phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa.

Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số - 1

Vui đến trường.

Theo bà Hà Thị Khiết, một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển giáo dục ở nhiều vùng DTTS mà ngành giáo dục chưa quan tâm thỏa đáng là do vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy và học. Trẻ em còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ lại phải học tiếng phổ thông. Vì học không hiểu, học kém, thua bạn bè, gây ra tâm lý chán nản, sợ học, sợ phải đến trường nên nhiều học sinh đã bỏ học dẫn đến tình trạng mù chữ và tái mù chữ.

Đối với đồng bào DTTS, câu hỏi học để làm gì đang là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyết định của các gia đình có cho con đi học lên cao hay không. Chỉ khi nào đồng bào thấy lợi ích của việc học hành thì họ mới có quyết tâm cho con em đi học lên cao. Do đó việc đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở và trung học phổ thông là vấn đề cốt lõi cho công tác phát triển giáo dục ở vùng DTTS hiện nay. Phải đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Cần có chính sách đặc thù đối với con em đồng bào các dân tộc sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu không thi được vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí cho đi học nghề và giải quyết công ăn, việc làm sau khi ra trường để tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình và nguồn nhân lực cho sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO