Nên chuyện nơi xứ người

Nguyên Khánh 08/11/2015 06:45

Những người sống xa Tổ quốc, họ không chỉ hòa nhập vào nước sở tại mà ngày ngày vinh danh cho đất Việt ở nơi xứ người. Tôi muốn nhắc đến  “chiến công” của những cô gái trẻ. Sự thành công không hề nhỏ của họ nơi xứ người đã  khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, khâm phục.

Cô gái nhỏ với ước vọng chữa bệnh cứu người

Người đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là cô gái gốc Việt Nguyễn Kim Mai Thi, kiều bào Đức. Mai Thi được biết đến với thành tích xuất sắc vượt qua gần 100 nhà khoa học và doanh nghiệp trẻ đến từ 38 nước để giành giải ba chung cuộc tại Vòng chung kết Falling Walls Lab 2012 diễn ra tại Berlin (Đức).

Nguyễn Kim Mai Thi.

Mai Thi chào đời tại Đức trong một gia đình có bố là kỹ sư hóa chất và mẹ là y tá. Từ nhỏ cô đã học rất giỏi, tốt nghiệp trung học năm 2006 với kết quả xuất sắc nhất (điểm cao tuyệt đối 1.0).

Tháng 3/2012, sau một thời gian học tập, nghiên cứu ở Trường Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz (Đức) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Mai Thi đã bảo vệ luận án tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa cũng với điểm tối đa 1.0 theo hệ Diplom.

Năm 2012 khi cuộc thi Falling Walls Lab được tổ chức, cô nhận thấy đây là cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Ý tưởng của cô gái gốc Việt Mai Thi trong cuộc thi này là tổng hợp một thiết bị sử dụng công nghệ nano để đưa thuốc vào bên trong tế bào của bệnh nhân bị ung thư, nhưng không làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác. Kết quả công trình đã mang lại vinh quang cho cô gái trẻ gốc Việt này và làm rạng danh cộng đồng người Việt tại Đức.

Chia sẻ lý do vì sao Mai Thi lại chọn con đường gập ghềnh là hóa sinh, và đích đến của công trình là chữa căn bệnh ung thư, một hành trình đầy gian khó, cô cho biết, chứng kiến người bị mang trong mình án tử là căn bệnh hiểm nghèo-ung thư, cô mong mình sẽ làm điều gì đó chia sẻ những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần cho những bệnh nhân này.

Về điểm mới trong công trình, Mai Thi cho biết, về mặt lý thuyết thì ý tưởng này có vẻ đơn giản, nhưng để áp dụng vào thực tế thực sự rất khó. Bởi hiện nay riêng trong vấn đề chữa ung thư bằng phương pháp nano cũng đã có rất nhiều phương pháp nghiên cứu. Và không chỉ có một phương pháp đúng khi nghiên cứu ung thư bởi vì có rất nhiều dạng ung thư. Cho nên cô xác định đây sẽ phải là cuộc nghiên cứu có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực khác nhau.

Mai Thi rất lạc quan và hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, công trình của cô sẽ trở thành một phương pháp điều trị chính thức góp phần chữa trị thành công căn bệnh nan y ngày ngày cướp đi sinh mệnh của bao người này.

Mong muốn sẽ viết sách bằng tiếng mẹ đẻ

Cô gái thứ 2 chúng tôi muốn nhắc đến là Nguyễn Thùy Linh, kiều bào Séc. Linh nổi danh nhờ cú đúp, 2 năm liên tiếp giành giải nhất trong cuộc thi văn học Filip Venclík tại Séc.

Nguyễn Thùy Linh.

Sinh ra và lớn lên ở Séc, cô gái 21 tuổi này hiện đang học trường Gymnázium Ostrov. Linh cho biết, tất cả các tác phẩm văn học cô đều viết bằng tiếng Séc. Điều này làm cô cảm thấy mình có lỗi với quê hương Việt Nam. Vì vậy, cô đang miệt mài học tiếng Việt với hy vọng, tương lai không xa sẽ cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm văn học bằng tiếng Việt.

Chia sẻ lý do vì sao lại đến với văn chương Linh cho biết, cô là thế hệ không được sinh ra tại Việt Nam, cô biết tiếng Séc trước tiếng Việt. Nhưng ngay từ thuở nằm nôi, những tiếng ru ầu ơ của bà, của mẹ đã thấm vào cô. Tình cảm cứ dần được bồi đắp biến Linh thành người đa sầu đa cảm. Cứ thế, những câu văn ngọt ngào chẳng biết đến trong cô tự bao giờ.

Cô nói, có thể nhiều người không tin, nhưng những tác phẩm được gửi đi dự thi, cô viết vào phút chót, chỉ vài tiếng trước khi gửi đi dự thi. Cô mong muốn trong những chuyến về nguồn sắp tới, sẽ có đủ thời gian, cảm xúc để “trả nợ” quê hương bằng những tác phẩm tiếng Việt.

Cô gái khiếm thị thành “Vua đầu bếp” Mỹ

Việc Christine Hà, cô gái người Mỹ, gốc Việt là người khiếm thị đầu tiên trở thành Vua Đầu bếp mùa thứ 3- một cuộc thi nấu ăn uy tín của Mỹ cũng góp phần đem lại vinh quang cho người Việt. Sự kiện Christine Hà giành giải quán quân đã thể hiện ý chí mãnh liệt đúng tinh thần “tàn không phế” của người Việt.

Christine Hà.

Chritine Hà có một tuổi thơ yên bình tại Lakewood trước khi gia đình chuyển tới Houston, Texas. Nhưng, năm cô 19 tuổi, khi đang học đại học Houston, thế giới dường như đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt khi cô bị mất gần như hết thị lực. Ban đầu, các bác sĩ đã không thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến triệu chứng liệt kì lạ của cô, sau đó họ cho rằng cô mắc một hội chứng viêm não.

Không dễ dàng khi mất đi thị lực và Hà tâm sự rằng, cô đã phải trải qua một khoảng thời gian đau khổ, căng thẳng. Và rồi cô quyết định phải sống để thích ứng, để tiến lên và hướng về phía trước. Nấu ăn đã đến với cô như một điều tự nhiên, bởi vì nếu không nấu ăn thì sẽ thật tốn kém với một nữ sinh viên đại học.

Sau một thời gian tập làm theo các công thức nấu ăn trong sách, Hà nhận ra rằng nấu ăn không đơn giản để ăn mà còn để thưởng thức. Christine Hà phải sử dụng gậy để di chuyển và luôn phải có người trông chừng khi cô đi tới những nơi không quen thuộc.

Tuy nhiên, Christine Hà đã không từ bỏ ước mơ trở thành đầu bếp. Trong khoảng thời gian làm quen với bóng tối, cô cũng quen với các cách thức sử dụng mũi, lưỡi, tai để nấu ăn. Vinh quang đã đến với người có nghị lực. Giờ đây, tên tuổi của vua đầu bếp khiếm thị này đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia.

Học bổng Úc mang tên cô gái Việt

Với cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Trâm, kiều bào Úc đem đến cho nhiều người những cảm xúc rất riêng về tình yêu thương, sự sẻ chia đùm bọc của người Việt nơi xứ người. Ngọc Trâm đến Sydney khi còn là một đứa trẻ. Trâm lớn lên trong vùng Cabramatta được coi là có nhiều hoạt động xã hội đen.

Nguyễn Ngọc Trâm.

Cơ duyên đã đến khi cô gặp giáo sư David Dixon, trưởng khoa Luật khi ông tiến hành một nghiên cứu về cảnh sát ở Cabramatta. Ông nhận ra rằng Trâm là một cô gái đặc biệt. Mặc dù cô không được học hành tử tế nhưng năng lực và trí tuệ của cô ngang bằng với những học sinh ưu tú, tài năng tại trường Luật. Trâm trở thành trợ lý nghiên cứu của dự án và là đồng tác giả trong đề tài “Anh Hai: Nhận thức và trải nghiệm của cộng đồng người gốc Á về cảnh sát”.

Trâm có một mơ ước cháy bỏng đó là trở thành luật sư và người lãnh đạo cộng đồng để giúp đỡ cho bạn bè và cộng đồng của mình. Tuy nhiên, ước mơ của cô còn dang dở khi mà một vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của cô gái bé nhỏ đầy tài năng này.

Dù không còn tồn tại trên thế giới này, Giáo sư Dixon, người nối dài ước nguyện của Ngọc Trâm đã quyết định thành lập một quỹ học bổng mang tên Nguyễn Ngọc Trâm dành cho những người gặp khó khăn như cô, để giúp đỡ họ trong quá trình học tập tại trường Luật.

Trong những năm qua, học bổng đã quyên góp được một khoản tiền không nhỏ từ các cựu sinh viên, các hãng luật và giảng viên tại trường Luật dành cho những sinh viên nghèo trong suốt 5 năm học trên ghế nhà trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên chuyện nơi xứ người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO