Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng

Duy Khang (ghi) 16/04/2017 08:00

Làm gì khi mà năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất thấp? Và làm gì để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp- trụ đỡ của toàn bộ nền kinh tế? Giới chuyên gia cho rằng, để đạt được thành tựu mới trong nông nghiệp, còn nhiều việc phải làm, trong đó phải thu hút được đầu tư lớn, tìm được đầu ra ổn định cho nông sản.

Ảnh minh họa.

Phát triển nông nghiệp là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, 20 năm sau đổi mới, Việt Nam vẫn là nước có năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp trong khu vực. Giải quyết được những khúc mắc của nền nông nghiệp hiện nay là điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Vậy làm sao để tháo gỡ được những khúc mắc đó, một số chuyên gia ngành nông nghiệp chia sẻ với Đại Đoàn Kết.

TS Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn:

Nâng cao khả năng tích tụ đất đai

Hiện nay, DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ ở con số rất khiêm tốn và DN có tiềm lực lại càng khiêm tốn hơn. Những DN có thể chủ động được giống, thị trường, hỗ trợ cho hợp tác xã và nông dân trong sản xuất vẫn ít…

Những hạn chế, khuyết tật của nền nông nghiệp hiện nay là do xuất phát điểm của ngành nông nghiệp nước ta còn thấp, sức cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nông sản nhập khẩu từ các nước tiên tiến cũng đẩy ngành nông nghiệp vào thế bí. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do thể chế nông nghiệp chủ yếu đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ…

TS. Nguyễn Văn Tiến.

Tôi cho rằng, mục tiêu cuối cùng của mọi chính sách là nâng cao đời sống nông dân nên phải có cơ chế chính sách bảo vệ, nâng cao thu nhập cho nông dân, do đó, cần phải hỗ trợ để nâng cao khả năng tích tụ chuyển đổi đất nông nghiệp hơn nữa. Hiện nay, trong chính sách vẫn có những quy định bó chặt quyền sử dụng đất của người nông dân.

Vừa rồi chúng ta nói nhiều đến mức hạn điền, nhiều người cho rằng xóa bỏ hạn điền cũng tương tự như một khoán 10 vậy nhưng tôi không cho như vậy. Hạn điền quy định mức hạn tối đa giao đất không quá quá 2ha cho nông dân nhưng thực tế, việc giao đất cho nông dân thường không đạt nổi ngưỡng này.

Ngay ở Đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ của trồng lúa, mà chỉ đạt 0,67ha/người. Còn lại 96% nông dân có quy mô dưới 0,5ha. Quy mô trên 2ha rất ít. Bởi vậy, nếu nói hạn điền là vướng mắc lớn nhất là không thuyết phục.

Theo quan điểm của tôi, vướng mắc lớn nhất hiện nay của nông nghiệp Việt Nam là quy mô sản xuất quá nhỏ. Mỗi nông hộ chỉ có khoảng 0,5ha thì làm sao có thể sản xuất lớn được. Vậy chính sách cần tạo điều kiện, khuyến khích bà con nông dân nâng cao quy mô sản xuất bằng cách liên kết các hộ nông dân, khuyến khích DN nhận chuyển nhượng đất bằng các chính sách về thuế, vốn để đẩy mạnh khả năng tích tụ đất đai. Vì chỉ khi có diện tích trang trại lớn, làm ăn mới lớn được.

Tôi lấy ví dụ, Công ty CP Thực vật An Giang hiện tại đã liên kết với bà con nông dân và hiện nay họ có được khoảng 6 ngàn ha đất sản xuất. Từ diện tích này, họ đã tổ chức sản xuất tốt, tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân, họ cũng đã trồng được nhiều giống lúa tốt và mang đi chào bán quốc tế. Đó là thành công của sự liên kết giữa DN và nông dân. Chúng ta muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải tạo được sự kết nối ấy.

TS Andrew Wells-Dang, Chuyên gia cao cấp Oxfam Việt Nam:

Nông hộ phải là trung tâm

Tổ chức Oxfam của chúng tôi luôn quan tâm nhất một câu hỏi, đó là: Các chính sách nông nghiệp sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số? Chúng tôi tin rằng, các hộ sản xuất nhỏ là chìa khóa để mở ra một nền nông nghiệp công bằng, an toàn và hiệu quả.

Các trang trại và DN nhỏ sản xuất hiệu quả hơn các đồn điền lớn, tạo việc làm ổn định và quyền sử dụng đất cho hàng triệu người, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quyền lương thực.

TS. Andrew Wells-Dang.

Nhìn vào những thay đổi về chính sách và hệ thống nông nghiệp trong những năm vừa qua, tôi nhận thấy những lý do để vừa hy vọng đồng thời cũng không khỏi lo lắng. Hy vọng vì tôi thấy được sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng với nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng nỗi lo lớn nhất là tinh thần công nghiệp hóa có thể dễ dàng chuyển vào nền nông nghiệp, rằng cứ lớn hơn thì sẽ tốt hơn, nông dân chỉ là những đơn vị của quá trình sản xuất, và công nghệ hóa chất, công nghệ sinh học được cho là sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Cách tiếp cận này được theo đuổi bởi các công ty kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia cũng như một số người ủng hộ ở Việt Nam. Những ý tưởng này nếu được thực hiện theo hướng tiêu cực sẽ dẫn đến việc đào thải rất nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, biến họ thành những người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Nó cũng đem đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường mà người dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ ràng hơn.

May mắn thay, chưa muộn để tránh những rủi ro này và thay vào đó, lựa chọn những chính sách nông nghiệp lấy người dân làm trung tâm, những chính sách bền vững hơn giúp tăng thu nhập cho nông dân, giảm bất bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng.

Để đưa tầm nhìn về một nền nông nghiệp bền vững, chúng ta cần củng cố sự hợp tác hiện tại giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông tạo nên xã hội dân sự. Tôi tin rằng, làm được như vậy, nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững, và người nông dân sẽ được hưởng thụ đúng với sức lao động của mình.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):

Hiệp hội chưa phát huy được rõ vai trò

Nền nông nghiệp Việt Nam vừa cần sự phát triển bền vững, vừa cần tổ chức lại sản xuất cũng như cần trách nhiệm lớn hơn đối với người tiêu dùng, những nhà nhập khẩu hàng hóa để tạo thương hiệu. Nhìn từ đó để thấy, trong thể chế nông nghiệp hiện nay, có rất nhiều điều cần phải hoàn thiện.

Trong đó phải kể đến các quy định về chất lượng, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… Nhưng điều quan trọng nhất chính là tổ chức thị trường. Đây là yếu tố cốt lõi để thay đổi được những vấn đề bấp bênh của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Thành.

Theo đó, vai trò hiệp hội trong từng ngành hàng cần chủ động, có quyền tự chủ, tự quản độc lập, tự họ tham gia và có trách nhiệm vào ngành đó.

Và với vai trò trách nhiệm của mình, nhà quản lý cần cho các hiệp hội, tổ chức, hợp tác xã có thời gian để họ kiện toàn chứ không nên can thiệp quá sâu. Việc can thiệp quá sâu của nhà quản lý làm mất tính độc lập, tự chủ, tính minh bạch, chính xác, công bằng nên vai trò của hội không còn.

Bởi vậy, tôi cho rằng, cần thay đổi trong khuôn khổ luật về hội mới hỗ trợ được nhà nước về mặt quản lý, hỗ trợ DN về mặt thị trường, nâng cao chất lượng các tổ chức hiệp hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền tảng thúc đẩy tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO