'Ngăn chặn' ma túy vào trường học

Lan Anh 23/06/2021 11:33

60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên.

Cảnh báo ma túy xâm nhập học đường

Ngày 22/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu để triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.

Hội nghị trục tuyến triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hiện nay trên cả nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, gây ảo giác, hoang tưởng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong khi đó, đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên đang ngày càng nhiều. Nó đã gây ra nhiều nỗi đau, nỗi ám ảnh cho nhiều gia đình, hệ lụy kéo dài đến nhiều năm sau.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các chuyên gia đã có bài tham luận, nhấn mạnh tác hại của ma túy với thế hệ trẻ và đưa ra các giải pháp để ngăn chặn việc này. Trong đó, bài tham luận của ông Lê Trung Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD), khiến nhiều người xúc động.

Ông đã kể lại cuộc đời mình, trong vai trò vừa là nạn nhân, người chứng kiến, nhà nghiên cứu về sự hủy hoại khốc liệt của ma túy. 26 năm trước, khi đang là lớp trưởng của lớp Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, bị bạn bè rủ rê, cùng sự ngông cuồng của tuổi trẻ, ông đã sử dụng ma túy.

Thời gian đó kéo dài 6 năm, là những ngày - mà theo ông - chìm trong đớn đau tột cùng, chết đi sống lại vì ma túy. Ông đã từng làm mọi thứ xấu xa để kiếm tiền sử dụng nó. “Ma túy là sự ám ảnh khủng khiếp mà tôi đã trải qua và cầu mong đừng ai bị nó hủy hoại nữa”- ông Tuấn nói.

Là người chết đi sống lại vì “nàng tiên nâu”, sau khi đã thoát khỏi nó bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã quyết tâm tìm các giải pháp để làm sao ngăn ngừa tệ nạn này. Và Viện PSD đã ra đời, hiện đang đồng hành với Bộ GDĐT triển khai các giải pháp để phòng chống ma túy trong trường học, ngăn không cho ma túy xâm nhập học đường.

Mục tiêu hình thành “vaccine” để phòng ngừa ma túy cho học sinh

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GDĐT Bùi Văn Linh, thống kê mới nhất của Bộ Công an cho thấy nước ta có khoảng 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể cao hơn, trong đó có cả học sinh, sinh viên.

Ông Bùi Văn Linh cho biết theo thống kê của Bộ Công an, nước ta có khoảng 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghi nghiện và số người nghiện ma túy có thể còn cao hơn gấp nhiều lần.

Điều đáng nói là phần lớn số người nghiện đang còn ở độ tuổi rất trẻ, trong đó một phần là những thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên.

Theo Bộ Công an, tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nắm rõ học sinh, sinh viên ở độ tuổi dễ bị lôi kéo, nên tìm đủ mọi cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.

Nhóm nam sinh cùng tang vật phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nguồn: Công an Hải Dương.

Gần đây còn có tình trạng mua, bán ma túy qua mạng xã hội hoặc theo hình thức bán đa cấp, lợi dụng chính học sinh, sinh viên nghiện ma túy là người bán hàng. Hình thức này rất nguy hiểm, vì có thể phát tán nhanh, khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân.

Còn PGS. TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện PSD thì lo ngại hiện nay tội phạm ma túy dùng rất nhiều cách thức tinh vi, ngụy trang để dụ dỗ, lôi kéo đối tượng học sinh, sinh viên. Các em lại thiếu kỹ năng về phòng ngừa ma túy.

Qua thực tế này, ông Hưng cho rằng, việc trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy là hết sức cần thiết, là chìa khóa để bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy.

“Với mục tiêu hình thành “vaccine” để phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên, chúng tôi sẽ cùng ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, với học sinh THCS – lứa tuổi dậy thì – các em cần được trang bị các kiến thức sơ đẳng về ma túy, kỹ năng phòng ngừa, cách vượt qua tình huống khi bị lôi kéo sử dụng ma túy.

Với học sinh THPT, lứa tuổi vị thành niên, ham hiểu biết, nhưng cũng rất thích những thử thách, vì vậy rất dễ sa vào sự quyến rũ của ma túy. Các em cần nhận thức tác hại và hậu quả khôn lường của nó, từ đó rèn luyện kỹ năng, ý thức của bản thân trong phòng ngừa.

Thời gian tới, PSD cũng sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh trong trường học. Phối hợp thí điểm tại một số địa phương xét nghiệm ma túy có trong nước tiểu của học sinh và triển khai bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy, tập huấn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Hàng triệu học sinh Việt Nam sẽ được trang bị tấm khiên vững chắc để tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy”, PGS-TS Mai Văn Hưng cho biết.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và nhiều chuyên gia đều cho rằng, cần đổi mới trong cách tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Trong đó có việc tích hợp kiến thức, nội dung giáo dục này vào các tiết học, với hình thức phù hợp, hấp dẫn. Đặc biệt, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, chung tay của cả xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Ngăn chặn' ma túy vào trường học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO