Ngân hàng ‘thấm đòn’ Covid-19

Hồ Hương 04/08/2020 09:00

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các thành phần kinh tế nói: “Trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD”.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 13/7/2020, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTC) kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các thành phần kinh tế nói: “Trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cho hay: “Năm nay, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn”.

Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, bên cạnh tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không phải chỉ là câu chuyện sống còn của nhà băng. Chính vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, thì các chính sách hỗ trợ tài khóa, an sinh khác cũng phải triển khai nhanh và mạnh để hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng ‘thấm đòn’ Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO