Ngành chăn nuôi đuối sức cạnh tranh

Quốc Định 09/09/2015 09:35

Tại Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam tổ chức tại TP HCM ngày 8/9, hầu hết các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đều nhận định rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh bởi một trong những lý do cơ bản là chúng ta vẫn chưa thể chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi đuối sức cạnh tranh

Ảnh minh họa. Nguồn:japfavietnam.com.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi đang tồn tại 4 nút thắt cần tháo gỡ. Đó là về năng suất chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (TĂCN), hệ thống tổ chức sản xuất và công tác quản lý. Riêng về TĂCN lại có 3 “ẩn số” trong đó có vấn đề giá thành và giá bán. Theo TS.Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, hiện nay, các doanh nghiệp TĂCN trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg TĂCN vào khoảng 1 – 3%. Nhưng nhận định của một số chuyên gia thì tỷ lệ này phải lên đến 10 – 15%.

TS Giáp cho hay, theo ý kiến một số DN TĂCN, khi bỏ thuế VAT, các doanh nghiệp chỉ có thể giảm giá TĂCN từ 2,5 – 3,5% do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại… không được miễn giảm VAT. Đồng thời, DN vẫn phải chịu các khoản VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc thiết bị…. nên giá TĂCN không thể giảm đến mức 5% được.

Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhà nước áp dụng giảm thuế cho tất cả các loại nguyên liệu bổ sung dùng để chế biến TĂCN, giá sản phẩm đầu ra có thể giảm được từ 7 – 8%. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, việc giảm giá thời gian gần đây chủ yếu do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào giảm, DN nhân cơ hội này giảm giá theo. Vì thế, cần thiết có những công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về giá thành sản xuất TĂCN để đảm bảo lợi ích được phân phối cho đúng đối tượng mà chính sách hướng đến.

Theo ý kiến một số chuyên gia, giá TĂCN của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Do Thái Lan có vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN nội tại lớn, nguyên liệu sản xuất TĂCN được nhập khẩu trực tiếp trừ Ấn Độ nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển. So với các nước xuất khẩu nguyên liệu TĂCN như Mỹ, Argentina… giá thành TĂCN của Việt Nam cao hơn do chi phí vận chuyển cao. Vì thế, giá sản phẩm đến người chăn nuôi đội lên dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cũng kiến nghị một số giải pháp để tăng tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Như cần tạo mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm, khép kín. Tìm ra cơ chế hợp tác sản xuất, phân chia lợi nhuận giữa các khâu trong sản xuất hợp lý.

Đối với khu xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cấp ngay sổ đỏ; cho tư nhân vay vốn dài hạn, trung hạn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, chăn nuôi với lãi suất nhẹ và cho ân hạn 3-4 năm . Đồng thời, nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước. Tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật này công khai, có sự tham gia xây dựng và kiểm soát của các hội, hiệp hội chuyên ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành chăn nuôi đuối sức cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO