Ngành xuất bản đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến

Minh Quân 29/08/2020 07:41

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành xuất bản trong thời gian qua phải đối mặt với vô số khó khăn. Tuy nhiên, nhờ việc mạnh dạn thay đổi, lĩnh vực giao dịch thương mại điện tử đã có những dấu hiệu tốt.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngành xuất bản cần có bước chuyển mình.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành: Trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường xuất bản nói chung và sách nói riêng ở các hệ thống bán lẻ đều giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đơn cử như, Thái Hà Books giảm xấp xỉ 50% doanh thu, sách Phương Nam giảm khoảng 30% doanh số so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị sách có tiếng khác như Fahasa, Đinh Tị, Đông A, Alpha sụt giảm từ 30-50% doanh số.

Cũng vì dịch Covid-19 nên hàng loạt các hoạt động về sách như Hội sách mùa xuân TP Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác đã phải hủy bỏ làm các NXB, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.

Chưa kể, nguồn cung bản thảo cũng bị ảnh hưởng khi các nước trên thế giới cũng đang phải vất vả đối phó với đại dịch, nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất bản Việt Nam trong thời gian gần đây đang ghi nhận những sự thay đổi đầy khởi sắc cả về doanh thu lẫn cách làm. Trong đó ghi nhận đầu tiên là sự phát triển của sách điện tử và các trang giao dịch thương mại điện tử.

Chính Covid-19 khi đẩy các doanh nghiệp xuất bản vào “đường cùng” đã tạo nên những động lực cho các đơn vị mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh phải tuyên bố phá sản, cắt giảm nhân sự thì số lượng đơn vị đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm lại đang dần gia tăng. Các hoạt động phát hành, bán xuất bản phẩm trên các trang giao dịch thương mại điện tử ngày càng được mở rộng. Đơn cử như Tiki, đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực phân phối sách trực tuyến thì tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách là 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, với sự bùng phát của dịch Covid-19 nên làm việc online trở nên phổ biến thì thói quen của người dân cũng có nhiều thay đổi. Mọi người có thời gian cho bản thân, đọc sách nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng làm việc từ xa. Độc giả nhỏ tuổi cũng làm quen và phát triển kỹ năng học từ xa qua internet và truyền hình…

Vì thế nhu cầu về các khóa học/đào tạo online hay đọc sách qua thiết bị điện tử có xu hướng tăng. Điều đó góp phần định hình lại cơ cấu sản phẩm trong ngành xuất bản. Theo dự báo, trong thời gian tới các định dạng khác của xuất bản phẩm (Ebook, Audio Books) sẽ trở nên thịnh hành hơn. Ở đó, độc giả sẽ là người quyết định cơ cấu đề tài trong ngành xuất bản.

Không những vậy, chính sự bùng phát của Covid-19 cũng ghi nhận sự bùng nổ cho xu thế chuyển đổi số, thể hiện ở nhiều hội sách online được tổ chức quy mô. Thời gian qua, nhiều đơn vị làm sách trước giờ vẫn trung thành với hình thức phát hành truyền thống cũng phải tìm mọi cách thay đổi để tự cứu mình trong thời điểm khó khăn.

Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông A cũng có những “lần đầu tiên” tổ chức bán sách qua livestream - một hình thức vốn được coi là “vũ khí lợi hại” của giới bán hàng online, để tiếp cận bạn đọc và mở ra hướng mới cho mình.

Hay như Hội sách trực tuyến chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 là hội sách và triển lãm có quy mô cấp quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, sử dụng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội. Với khoảng 2 triệu lượt thăm, xem, trên 11.000 lượt mua, trong khuôn khổ Hội sách đã bán được trên 13.000 bản sách. Cho dù kết quả doanh thu của Hội sách chưa cao nhưng cũng cho thấy chiều hướng tích cực.

Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng: Với doanh thu 1 tỷ của Hội sách online chào mừng ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 là không cao và rõ ràng chưa tương xứng với quy mô hội sách quốc gia. Nhưng với việc các đơn vị tham gia hầu như không phải bỏ chi phí cho xây dựng gian hàng, việc mỗi đơn vị chủ động giảm 50% giá sách nhằm ưu đãi cho khách hàng thì doanh thu đó cũng là kết quả cần ghi nhận.

Cục trưởng cũng bày tỏ, một nguyên nhân dẫn đến hạn chế này đó là nhiều đơn vị chưa chủ động cung cấp hoặc bổ sung sách hay, sách bán chạy đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng. Đặc biệt, các đơn vị này rất thiếu chủ động trong truyền thông gian hàng của mình. Sự quyết tâm để tạo ra không gian mới ở các đơn vị tham gia chưa nhiều, chưa thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tạo ra sân chơi cho riêng ngành sách, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Thực tế, có nhiều chợ sách trên không gian mạng nhưng đang rất thiếu một sàn sách thực sự đáp ứng yêu cầu bán sách đồng thời truyền thông lan tỏa giá trị sách. Nơi đó, người đọc, người làm sách, người viết sách có cơ hội giao lưu với nhau.

Hãy thử hình dung thay vì việc mỗi đơn vị phải vất vả như thế nào để trang web hay sàn sách của riêng đơn vị mình đến được với bạn đọc; để bạn đọc cũng vất vả, khó khăn khi tìm kiếm những cuốn sách hay, giá trị, đúng nhu cầu của mình thì việc có một sàn sách chung, minh bạch, chính thống, chuyên nghiệp, làm được cả bán và truyền thông sách, thì bài toán trên sẽ giải quyết hiệu quả như thế nào. “Ngành xuất bản đang rất cần một sân chơi chung như thế và muốn làm được, mỗi cá nhân, đơn vị tham gia cần góp sức vào việc xây dựng nó”- ông Nguyên nói.

Có thể thấy, với diễn biến của Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp thì việc ngành xuất bản chuyển hướng sang kinh doanh online trực tuyến đang là một hướng đi hiệu quả. Nhưng để “cỗ máy” này hoạt động được “trơn tru” rất cần sự chung tay của các đơn vị xuất bản để tạo ra được những “sân chơi” hấp dẫn cho độc giả. Ở đó với một Hội sách online hay một trang điện tử thương mại không chỉ làm công việc bán sách mà cần có không gian tương tác, giao lưu của những người yêu sách, làm sách và đọc sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành xuất bản đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO