Nghề đánh máy vi tính

NGUYỄN MINH HOA 24/12/2021 19:00

Vài chục năm trước những biển hộp mi ca xuất hiện trên phố lạ lẫm và bắt mắt.

Ảnh minh họa.

Lạ vì nó đã dần thay những biển bảng bằng sắt, tôn, gỗ hay các chất liệu khác được vẽ sơn màu bằng tay, lạ vì nó mới toanh, sang hơn hẳn nội thất cũ kĩ của những cửa hàng hay quán xá. Đương nhiên là nó bắt mắt bởi phông chữ đẹp, hiện đại. Ngày ấy, những máy tính bàn cũng đã trở nên phổ biến cả ở văn phòng, tư gia và những trung tâm tin học trên phố. Những cái máy tính bàn “õng ẹo” vô cùng khi nó kén nhiệt độ phòng điều hòa thì nó mới chạy, chạy để người ta tiếp cận, dạy cho nhau những kĩ năng sơ khai trong các lớp “tin học”. Và từ đó dịch vụ “đánh máy vi tính cũng xuất hiện”.

Cánh trung niên đeo kính đi học, không thể không học được vì cơ quan đang hoặc đã mua cái máy vi tính rồi, không học thì biết dùng thế nào, mà đợi bao giờ để phòng hành chính liên hệ được người về dạy, nên thành ra cánh trung niên tiên phong đi học trước. Đám sinh viên bao giờ cũng nhanh nhạy, ban ngày đi học tối cũng chúi mũi vào lớp “học tin” ngay. Đám sinh viên vừa ra trường xong đang chuẩn bị hồ sơ xin việc thì cùng với bằng C tiếng Anh cũng phải có được chứng chỉ tin học mới yên tâm. “Nghề đánh máy vi tính” gắn kết và nằm trong chuỗi này và hệ thống các của hàng photocopy.

Nghề này sống, sống khỏe vì một số văn bản in trên giấy A4, muốn hay không muốn đã chiếm ưu thế trong thủ tục hành chính của cơ quan. Nhiều người thấy bực vì sự trang bị không đồng bộ của cơ quan, có máy tính, anh chị em đánh máy được rồi, thì chưa có máy in, nên cứ phải “cóp” đĩa đem đi in. Mà cô đánh máy chữ kiểu cũ có khi đánh xong quên thao tác xếp, nên bị “mất”. Thành thử ra việc có hàng đánh máy “ruột” là yên tâm hơn hẳn. Bản cứng thì đem về, bản mềm thì cóp trong đĩa.

Chẳng gì bằng lớp trẻ, thế hệ 7X như cái móc nối giữa cánh già với cánh 8X xôn xao ngoài kia. 7X có chậm hơn 8X, nhưng cẩn trọng và dễ nói chuyện hơn cánh 8X láu táu múa trên bàn phím. Nói thế không phải là cánh già không theo nghề đánh máy vi tính, hay cánh 8X không đắt khách việc này. Mà trong những hàng đánh máy vi tính có khi vẫn gặp một chị già “cũ kĩ” múa tay và xếp như ai, hoặc một 8X ngồi múa nhanh nhanh các văn bản, căn chỉnh thoăn thoắt vì hẹn hò, bạn trai đang đợi ngoài cửa.

Suốt các con phố, nhất là những nơi gần trường đại học, kí túc xá sinh viên những hàng phô tô coppy, đánh máy vi tính mọc lên như nấm. Cùng đó cũng đánh dấu những cuốn “luận văn tốt nghiệp” của cánh 7X đã không còn là những bản viết tay nữa, mà trăm chữ như một, đen nhánh như hạt đậu đen, in trên giấy A4 trắng tinh, thơm phức, trình bày đẹp, đóng bìa xanh. Đám sinh viên năm thứ tư nhìn “công trình khoa học đầu đời” của mình mà rưng rưng.

Tôi là một trong số đó, năm 1996, tôi vẫn viết bằng tay bản nháp luận văn tốt nghiệp vào một cuốn vở bìa xanh, rồi chép đi, chép lại, thêm thêm, bớt bớt tẩy xóa loạn xạ. Sau khi thầy hướng dẫn sửa chữa, góp ý, tôi hì hục chép lại lần nữa rồi đi “đánh máy vi tính” ngay. Chị đánh máy cho tôi tóc dài, hay ăn vặt cóc, ô mai, chị để đầy trên bàn, cạnh cái bàn phím cũ rích, mờ hết cả chữ. Chị múa tay diệu nghệ khiến tôi ngưỡng mộ và nhớ cho đến tận giờ. Nhưng chị cũng hay gõ sai, chắc vì múa vội. Tôi cũng chưa quen, nên sửa chính tả chưa thật chuẩn đã kíp thời gian phải nộp cho khoa và các thầy hướng dẫn, phản biện thế nên tôi đành ngậm ngùi đứng chờ mấy người trong cửa hàng đóng cho tôi thành quyển bìa cứng, màu xanh. Tôi run run viết lên trang 3 đôi dòng tặng thầy hướng dẫn, bao ngày đã tận tình và chịu đựng chữ viết tay xấu xí của tôi. Viết lên giấy A4 không có dòng kẻ chưa quen sẽ không được thẳng, nên tôi thận trọng lấy giấy kẻ bằng bút bi mấy dòng để bên dưới cho hằn lên rồi mới dám viết.

Máy vi tính vẫn là xa xỉ với một số cơ quan chứ đừng nói với đám học sinh, sinh viên mới ra trường mới đi học việc hay tập sự. Những nơi tôi đến tập sự, học việc vẫn viết tay như thường và cả tôi cũng thế, có chăng chỉ khác là viết trên giấy A4, thay vì viết giấy tập, giấy vở như xưa.

Tôi viết văn từ những ngày đó, tôi nhớ đến những tờ A4, chữ đen nhánh, không dám mơ mình ngồi mổ cò đánh máy được truyện của mình, cũng không dám mơ đưa bài ra thuê “đánh máy vi tính”. Tôi chọn một hàng đánh máy chữ cũ kĩ ngay trong khu tập thể lắp ghép bên cạnh con đường thân quen. Chủ nhân treo một biển gỗ nhỏ, tự viết bằng sơn màu 3 chữ “Đánh máy chữ” treo bung biêng trên thân cây bên đường. Ông thường vận những bộ quần áo màu nhã, tươm tất, đeo kính , đội mũ dạ, mọi thao tác của ông không vội, có những hôm quang giời ông mang máy chữ ra ngồi dưới gốc cây, có mấy ông bạn già hay khách hàng ngồi chuyện trò thuốc nước khá thỏa mái. Tôi chọn ông thuê đánh máy vì giá rẻ, tôi kham được chứ đánh máy vi tính thì rất khó cho túi tiền của tôi. Ông không chỉ đánh máy mà ông còn có tài “luận chữ”, “biên tập” cho tôi đôi chỗ viết ẩu. Tôi quý ông và lo rằng với tốc độ phát triển của máy tính thì rất có thể nghề của ông sẽ biến mất. Tôi cũng lại tự an ủi rằng ông đã quá già, không sao cả, mà ông đã có lương hưu lo gì.

Thế rồi công việc cuốn tôi đi, con đường mở rộng, cơ quan được trang bị máy tính đến từng phòng, dù muốn hay không chúng tôi cũng bắt đầu “mổ cò” bằng máy. Chứng chỉ Tin học bỏ bễ bấy lâu khiến tôi chẳng mấy nhớ nguyên tắc của bàn phím mà múa như chị đánh máy luận văn cho mình hồi trước hay cánh trẻ trong cơ quan. Tôi cũng khá bảo thủ, muốn vừa viết vừa nghĩ đi đâu mà vội, có khi lại sợ “công nghệ” làm cảm xúc của mình… sợ.

Nhưng rồi, không có sự lựa chọn nào tốt hơn khi mình sở hữu một cái máy tính để bàn với “sức khỏe” hợp với khí hậu châu Á, tôi đã gõ máy tính choành choạch mỗi ngày. Rồi tôi cũng lại sở hữu chiếc máy tính xách tay có giá hơn 1.000 đô la. Nhiều người trong thành phố cũng đều thế cả, tôi không nằm trong tốp đầu nổi trội. Những cái đĩa đã là chuyện xưa, USB nhỏ gọn đã dần thay thế hết những cái đĩa tư liệu năm nào.

Tôi lục tìm những bản thảo xưa, kí ức ùa về. Tôi nhớ phố Phan Đình Phùng cũng có một ông già đánh máy chữ, người bạn đưa tôi ra đó đánh máy, ông cụ nói với bạn tôi:

- Nhất định người viết những bản này sau sẽ liên quan đến văn chương, chữ nghĩa.

Phố ấy đẹp, tôi nhớ thế thôi, lờ mờ tôi nghĩ đến số phận và những chuyện khác sau những con chữ.

Công việc kéo tôi đi đầy vội vã, nhưng công việc và sở thích viết lách vẫn khiến tôi hay phải lui tới những hàng “phô tô, đánh máy vi tính” này vì tôi muốn nhanh, đôi khi lại tránh mang tiếng lợi dụng máy in của cơ quan mà tôi đến đây thuê đánh máy, in ấn và tự thanh toán. Những bản thảo cũ cũng được gửi đi đánh lại, được copy vào USB được trả trong email đầy đủ. Tôi cũng đã gõ bàn phím thoăn thoắt dẫu không “thành thần” và múa được như chị ấy hay những bạn bè xung quanh, nhưng cũng từ lâu tôi đã bỏ thói quen viết tay như một lẽ đương nhiên.

Các con tôi cũng không còn thích viết tay nữa, tôi hiểu và thông cảm, vì chúng được làm quen và học từ bé môn “tin học” rồi mà. Chúng đã trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ công nghệ cho tôi khi cần.

Bẵng đi, tôi chỉ biết nghề gõ máy chữ đã hết. Hai người đánh máy chữ cho tôi kia có lẽ là những người cuối cùng tôi biết, thế hệ tôi biết. Đó là một kỉ niệm đẹp tôi có được khi giao tiếp với họ. Tôi cất giữ trong lòng cùng những bản thảo đã ngả màu. Đã hơn 20 năm trôi qua.

Cho đến một ngày người bạn nhờ tôi đi “đánh máy vi tính” hộ. Tôi vui vẻ nhận lời vì đây là việc quá dễ dàng, đánh máy xong mua cái USB cóp vào đó là xong. Nhưng không phải, xung quanh nhà tôi rất nhiều trường đại học, hàng phô tô san sát nhưng các chị mới hôm nào còn đon đả nhận lời đánh máy cho tôi thì đã bảo:

- Không, nhà chị bỏ lâu không nhận đánh máy rồi. Giờ mọi người đều đã tự làm hết. Không hàng nào nhận làm việc này nữa đâu.

Tôi bất ngờ, nhưng chưa hẳn tin, đi vài hàng xa hơn hỏi, nhưng đúng như chị ấy nói cả. Có hàng đã thay biển không còn dòng “Nhận đánh máy” nữa.

Tôi nói với bạn bè, các bạn đều bảo:

- Đúng rồi, đến già như bọn mình đã không viết tay và tự đánh máy từ lâu rồi còn gì. 4.0 rồi.

Có một người bạn lại bảo:

- Trong ngõ, thật xa, mối quen, vẫn còn một người. Tôi biết.

Ôi! Một nghề từng đắt khách là thế rồi đến một ngày đã “êm đềm” rút lui. Cánh trung niên thì nhớ, đám trẻ nhí lớn lên sẽ không hề biết rằng nghề này đã có thời cực thịnh.

Mùa trên phố xôn xao, tôi biên, vì nhớ những tờ giấy A4 đời đầu đánh máy vi tính ố vàng cũng đã lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề đánh máy vi tính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO