Nghệ sĩ ngồi 'ghế nóng' gameshow: Chấm ai, ai chấm, bây giờ chấm ai?

Thạch Kim Anh 04/06/2017 08:30

Thời gameshow nở rộ, người nổi tiếng bây giờ còn có thêm cơ hội kiếm tiền khi ở vị trí cầm cân nảy mực. Tuy vậy, đừng tưởng danh xưng “giám khảo quyền lực” mà truyền thông gắn cho là có sức mạnh thực sự.

Thời gameshow nở rộ, người nổi tiếng bây giờ còn có thêm cơ hội kiếm tiền khi ở vị trí cầm cân nảy mực. Tuy vậy, đừng tưởng danh xưng “giám khảo quyền lực” mà truyền thông gắn cho là có sức mạnh thực sự.

Giám khảo và thí sinh, tất cả đều ở trong một cuộc chơi mà nhiều khi “quyền rơm vạ đá”, giám khảo nhận xét, chấm điểm người khác rồi chính họ bị dư luận chấm điểm lại một cách khắt khe. Lúc này, lời nói không chỉ là để “mua vui” mà trở thành “điểm số” về nhân cách và văn hóa.

Nghề nói ra tiền

So với việc đi biểu diễn, giảng dạy, sáng tác… thì có vẻ giám khảo là công việc “ngon ăn” nhất. Chỉ việc đến đúng giờ, ngồi vào vị trí, nếu có “bày binh bố trận” thì làm “tròn vai” của mình, tức là hiền hòa đấu dịu “ở giữa chữa đôi bên” hay quyết liệt khắt khe, chờ thí sinh thi xong là bình luận vài câu hoặc giơ bảng điểm, thế là xong. Chẳng nặng nhọc mưa nắng gì cho lắm.

Những người có chút duyên ăn nói, làm “nhộn trò” cho sân khấu thì cứ gọi là “đắt như tôm tươi”, vừa ngồi ghế nóng ở chương trình này lại thấy “véo von” bình luận ở chương trình khác. Với những gương mặt đình đám cả về hoạt động chuyên môn lẫn sự phức tạp trong đời tư thì đó càng là đảm bảo cho sức hút của chương trình, khiến khán giả theo dõi, bàn tán sôi nổi.

Những con số được tiết lộ sẽ khiến khán giả giật mình. Chẳng hạn như cát-xê của Hồ Ngọc Hà lên tới cả tỉ đồng cho gameshow “Be a Star- Bạn là ngôi sao”. Các chương trình khác như “Giọng hát Việt”, “The Face”, “Gương mặt bí ẩn”… cũng ở mức tương tự. Nghệ sĩ Hoài Linh, Hồng Vân, Việt Hương, Trấn Thành… được cho là bỏ túi vài trăm triệu cho mỗi số gameshow.

So với nghề chính, phải đầu tư công sức, luyện tập rất lâu mới kiếm được ít tiền thì việc ngồi ghế nóng rồi hưởng 200 triệu đồng cho một tập phát sóng thì chắc chắn đó là một nghề “nói ra tiền” với các nghệ sĩ.

Chẳng thế mà cứ mở sóng truyền hình ra ta sẽ thấy “trăm sao” đua nhau làm giám khảo. Từ kiện tướng dancesport, nhà giáo, nhạc sĩ, đạo diễn đến diễn viên, ca sĩ, nhà tạo mẫu, hoa hậu, nhiếp ảnh gia rồi người mẫu, chuyên gia trang điểm… liên tục cầm cân nảy mực cho các cuộc thi.

Giám khảo trong nước chưa đủ uy tín thì người ta mời cả giám khảo Việt kiều, giám khảo nước ngoài cho thêm phần xôm tụ. Mới đây ca sĩ - diễn viên Minh Hằng tiết lộ chuyện cô phải rời vị trí huấn luyện viên chương trình “The Face” vào phút chót vì câu nói “Ai cũng được trừ Minh Hằng” của một ca sĩ đàn chị, mà đàn chị ở đây, nhiều người cho đó chính là ca sĩ Hồ Ngọc Hà! Điều này khiến dư luận biết thêm về những góc tối sau chiếc ghế nóng bóng bẩy.

Những bài học đắng cay

Tuy là nghề “nói ra tiền” nhưng khổ nỗi, không phải ai cũng có khoa nói. Những người hoạt ngôn, biết tung biết hứng, biết “diễn” trước đám đông, ăn nói có duyên cố ngồi ghế nóng gameshow đã đành. Một số nghệ sĩ khác dù “trời không phú cho khoa nói”, lại thêm quanh năm chỉ biết làm chuyên môn, cũng vào “cuộc đua” ngồi ghế nóng.

Đành rằng, ở trong lĩnh vực của anh, anh có thể am hiểu tường tận và có uy tín, nhưng khi chấm điểm người khác, nhất là khi nhận xét, giải thích sao cho điểm số của anh hợp lí và thuyết phục lại là cả một vấn đề lớn khác.

Kết quả, rất nhiều giám khảo tiền hậu bất nhất, nói không thích nhưng vẫn cho điểm cao hoặc lời nói “tự vả vào miệng mình” khiến khán giả thì chẳng hiểu làm sao còn thí sinh thì ấm ức. Từ đó, vạ miệng lan tỏa trên sóng truyền hình khiến người gánh hậu quả chính là vị giám khảo đó.

Gameshow là một cuộc chơi, ở đó đòi hỏi người tham gia phải khéo léo, làm chủ tình thế trong khi rất nhiều nghệ sĩ do không có bản lĩnh hoặc dễ dãi đã chiều theo ý đồ của đạo diễn, đóng những vai “lệch” với bản chất con người mình, trở thành trò hề cho dư luận. Bên cạnh đó, đã lao theo cuộc chơi, nhiều người bị đánh đồng giữa trò chơi và đời thực.

Việc đời tư của một giám khảo nào đó bị soi rõ, “nói lại”, khai thác từng ngõ ngách cũng là một yếu tố kích thích người xem tham gia chương trình nhiều hơn nhưng lợi bất cập hại, chả khác nào giám khảo đó tự “bán thân” cho dư luận. Còn nhớ khi chương trình “Bước nhảy hoàn vũ” đang ở thời cao trào, mối tình đã qua của Chí Anh - Khánh Thi cùng với những mối quan hệ hiện tại được báo chí “đào xới” không thương tiếc.

Dư luận thì có cái để mà đàm tiếu lúc trà dư tửu hậu, nhà sản xuất mở cờ trong bụng vì thắng lớn nhưng liệu bản thân những người trong cuộc đó có chút cảm xúc gì không hay chỉ coi đó là một thỏa thuận khi đã cùng lên một con thuyền? Còn những người ngoài cuộc đứng lùi ra mà ngẫm, không phải ai cũng thán phục cặp đôi không yêu vẫn có thể làm bạn mà người ta còn nghĩ nhiều về những người xung quanh, người mới người cũ và nghĩ cả đến việc dường như nghệ sĩ đã “vạch áo” quá cao cho thiên hạ ngắm.

Nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng bị dư luận cười nhạt khi cứ nhận xét “em múa rất hay” trong khi ông chấm người ta thi nhảy. Sau đó, ông thẳng thắn tâm sự: “Tôi từng ngửa mặt lên trời mà thề rằng “không bao giờ làm giám khảo”.

Tại vì, hồi đi chấm thi Tiếng hát truyền hình, tôi cũng từng phải ngồi giơ cái bảng điểm lên, “nếm mùi” giám khảo đủ rồi. Có lẽ “thằng” ngu nhất chính là “thằng” chọn nghề làm giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu mà khán giả chấm mình đấy chứ”. Bởi chắc chắn những ồn ào khi thử ngồi ghế nóng một lần duy nhất đã cho ông những kỉ niệm đắng cay khó lòng tẩy xóa.

Có những người như Trần Tiến, Trung Dân biết xấu hổ và họ đã trở lại với đúng chân giá trị của mình. Còn nhiều nghệ sĩ khác vẫn lao theo con đường cho điểm người khác mà không tự biết mình là ai thì sớm muộn cũng trượt dài vì những bước đi “chân không đến đất, cật không đến trời” của mình.

Đừng đổ cho thị hiếu

Ta mới chỉ “đả động” đến những người có uy tín đi làm giám khảo. Còn rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, hoa hậu trẻ, thậm chí rất trẻ, mới đang cố gắng nỗ lực để khán giả thuộc mặt biết tên, có khi mới chỉ “khoanh vùng” được một lớp nhỏ khán giả cho mình đã tưởng mình là người nổi tiếng. Thế là, có khi hôm trước họ vừa là thí sinh của cuộc thi này, hôm sau đã là giám khảo của cuộc thi khác.

Khi ta nổi tiếng, làm giám khảo cũng là để tận hưởng thành quả những nỗ lực phấn đấu của mình, tên tuổi và chuyên môn của mình được trọng vọng. Còn với những ngôi sao trẻ, họ đi tắt đón đầu bằng cách làm giám khảo để thêm cơ hội “phủ sóng” tên tuổi của mình.

Trên mặt bằng kiến thức chung chưa có gì là chắc chắn, thử hỏi một Phương Mỹ Chi mới 12 tuổi đi chấm “Cùng nhau tỏa sáng” thì chấm cái gì? Cô diễn viên Diễm My 9X đành rằng đóng nhiều phim nhưng chấm “Ca sĩ giấu mặt” thì sẽ nhận xét chuyên môn nào? Hài hước ở chỗ cứ tréo ngoe như vậy, ca sĩ đi chấm hài, á hậu đi chấm hát…

Có trường hợp nực cười là thầy diễn trên sân khấu trong vai thí sinh của gameshow, còn trò ngồi dưới làm giám khảo. Hay như mới đây, chuyện diễn viên hài Việt Hương ngồi trên ghế nóng để nhận xét về ca sĩ Siu Black trong chương trình “Sinh ra để tỏa sáng” cũng khiến dư luận “dậy sóng” về sự “tréo ngoe”, “nực cười”.

Thế nên, đừng đổ lỗi cho thị hiếu khán giả tầm thường mà bản thân mỗi nghệ sĩ phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ, nhất là hào quang và đồng tiền. Nghệ sĩ cần phải tự biết ngồi vào đúng chỗ của mình thì mới được tôn trọng thực sự, tiếng nói mới có trọng lượng. Đừng vì tiền hay vì danh xưng giám khảo oai mà tự vơ lấy hào quang ảo giác vào người để cuối cùng tự chuốc lấy thị phi của thiên hạ.

Nghệ sĩ cần phải tự biết ngồi vào đúng chỗ của mình thì mới được tôn trọng thực sự, tiếng nói mới có trọng lượng. Đừng đổ lỗi cho thị hiếu khán giả tầm thường mà bản thân mỗi nghệ sĩ phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ, nhất là hào quang và đồng tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ ngồi 'ghế nóng' gameshow: Chấm ai, ai chấm, bây giờ chấm ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO