Ngồi học trực tuyến sai tư thế: Trẻ có nguy cơ cận thị, gù lưng

Đức Trân – Thu Hương 27/09/2021 08:20

Hình thức dạy học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với trẻ em bởi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, tư thế ngồi học của trẻ như thế nào để đảm bảo sức khỏe lại là điều ít được các bậc phụ huynh quan tâm.   

Phụ huynh phó mặc cho giáo viên

Vấn đề nguy cơ trẻ mắc các bệnh về mắt, hay vẹo cột sống do tư thế ngồi sai không phải là mới, có thể nói, từ cách đây nhiều năm, trước khi triển khai học trực tuyến, các chuyên gia y tế đã cảnh báo nhiều lần nguy cơ này trong quá trình trẻ học tập tại trường, hay tự học tại nhà. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, bộ phận phụ huynh vẫn mang trong mình suy nghĩ, việc hướng dẫn con ngồi học sao cho đúng tư thế là chuyện của giáo viên. Số khác lại cho rằng, quan trọng nhất là con tập trung học tập đã, còn tư thế thì chờ lớn rồi… rèn sau.

Mặc dù con trai mới 4 tuổi, nhưng đã tham gia học ngoại ngữ trực tuyến được một thời gian, anh Lại Thế Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nắm được những cảnh báo của chuyên gia xung quanh việc này, nhưng đối với riêng gia đình tôi thì cảm thấy không được khả thi. Con nhà tôi còn nhỏ, mới 4 tuổi nên khó để rèn cho cháu ngồi đúng tư thế, hiện nay chúng tôi đang tạo cho con hứng thú học tập trước, làm sao để con thoải mái nhất. Nếu bây giờ mình uốn nắn con nghiêm quá, thành ra mất hứng thú, thậm chí sợ học tập thì tôi e rằng như vậy lại phản tác dụng. Thứ nữa, gia đình tôi cũng chưa có điều kiện mua bàn học riêng cho cháu học tập nên đành tạm chấp nhận”.

Còn đối với anh Nguyễn Minh Tuấn (Linh Đàm, Hà Nội), vấn đề này lại càng đơn giản hơn, vì đã có…cô giáo lo: “Bình thường con tôi học thì cháu ngồi trong phòng riêng cho yên tĩnh. Tôi cũng làm việc trực tuyến nên không có thời gian ngồi bên cạnh cháu. Về việc tư thế học tập, tôi nghĩ, cô giáo của cháu được đào tạo về đúng chuyên môn nên sẽ uốn nắn. Mình còn chưa biết ngồi thế nào cho đúng, giờ hướng dẫn con lỡ sai thì khổ”.

Trao đổi về thực tế tư thế ngồi của học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến, thầy Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên chủ nhiệm lớp 3E, Trường Tiểu học Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, quan sát của thầy trong quá trình học tập của học sinh, hầu hết các em đều ngồi đúng tư thế. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh ngồi ở bàn thấp, bàn sát mặt đất nên độ cao và ánh sáng chưa đảm bảo.

Theo thầy Hiếu, nhà trường đã có nội quy học trực tuyến, ngay từ đầu năm trong tiết học đầu tiên thầy đã phổ biến cho học sinh cũng như các bậc phụ huynh về các quy định khi học trực tuyến. Trong đó, có bao gồm về tư thế học tập.

“Tôi thường xuyên hướng dẫn các em về phòng, chống dịch Covid-19, các tư thế ngồi học trong các tiết học trực tuyến. Trong mỗi tiết học tôi đều nhắc các em về tư thế ngồi học cũng như cách cầm bút, viết bài. Giữa các giờ học cũng đều có nghỉ giải lao 5-10 phút để các em thư giãn mắt, vận động nhẹ nhàng”- thầy nói.

Cha mẹ cần chú ý hướng dẫn trẻ cách ngồi học trực tuyến đúng tư thế. Ảnh: Quang Vinh.

Ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của trẻ

Dưới góc độ y tế, BSCK II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang phân tích: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vấn đề thị giác cho trẻ, đối với việc tham gia học trực tuyến, trẻ tập trung học tập, nhìn lâu vào màn hình điện thoại, máy tính khiến đôi mắt rất dễ rơi vào tình trạng nhức mỏi, đỏ, khô ngứa… Bên cạnh đó còn do tác hại của việc chiếu sáng kém hoặc quá nhiều, kèm với các tia phản xạ từ màn hình, khoảng cách nhìn không đúng hay do ngồi sai tư thế”.

Bên cạnh đó, BS Tước cũng nhắc đến một nguy cơ khác, đó là khả năng trẻ bị cong vẹo cột sống do ngồi sai tư thế: Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, nhiều trẻ ở nhà tiếp xúc nhiều với máy tính, tivi, điện thoại… mà ít vận động, sai tư thế ngồi sẽ dễ bị cong vẹo cột sống. Ví dụ, trẻ ngồi học trực tuyến ở bàn làm việc của bố mẹ, không hợp lứa tuổi sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống trẻ”.

Để tránh nguy cơ để lại hậu quả cho cột sống của trẻ, BS Tước khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không để con nằm lăn ra sàn học, hoặc ngồi gù lưng trên bàn thấp không đúng tư thế hoặc tận dụng bàn học từ nhỏ đến khi lớn hơn vẫn dùng. Trẻ ngồi học cha mẹ phải luôn nhắc bé giữ tư thế ngay ngắn, không vẹo đầu, xoay vặn người, ngồi lệch… dù thoải mái theo ý bé nhưng sẽ gây tác hại lớn đến cột sống sau này.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh cũng không biết tư thế ngồi của con thế nào là đúng, BS Nguyễn Thị Quỳnh - Bệnh viện Mắt Hà Nội hướng dẫn, cha mẹ nên chọn ghế ngồi và bàn học có thể điều chỉnh được độ cao, ghế có tựa lưng và có thể điều chỉnh được. Hướng dẫn con ngồi học trong tư thế đầu và lưng thẳng (không nghiêng hay cúi đầu), vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi khoảng 90-130 độ. Phần thân trên và đùi tạo một góc mở 90-120 độ (bằng cách điều chỉnh độ nghiêng của phần tựa lưng của ghế). Tốt nhất nên điều chỉnh góc này ở mức 100-110 độ vì ở tư thế này sẽ giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và giảm ảnh hưởng bất lợi lên cột sống.

“Cần chú ý đặt chiều cao màn hình phù hợp không cao quá hay thấp quá gây khó chịu cho mắt và cột sống cổ. Khoảng cách từ mắt đến màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng trong khoảng 35-40 cm; với máy tính trong khoảng từ 40-74 cm. Có thể kiểm tra khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính bằng chiều dài của một cánh tay là phù hợp. Nếu đặt thiết bị không đúng vị trí, sai tư thế ngồi học dẫn đến khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi, gây đau nhức ở cổ và vai, mỏi mắt, kích ứng mắt, mờ mắt, khô mắt và nhức đầu. Nếu quá trình đó kéo dài, có khả năng dẫn đến các chấn thương cơ xương”- BS Quỳnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngồi học trực tuyến sai tư thế: Trẻ có nguy cơ cận thị, gù lưng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO