Người dân hài lòng mới chi thu nhập tăng thêm - Bài cuối: Cần hoàn thiện cách đánh giá

Thành Luân - Thanh Giang 06/08/2019 06:00

Nhiều chuyên gia, cán bộ, công chức ở TP Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn lý do quyết định mức thu nhập tăng thêm được chi trả cho cán bộ dựa chủ yếu vào chỉ số hài lòng của người dân. Vì rằng, trên thực tế, số lượng người dân tham gia các khảo sát và đánh giá chỉ số này còn rất khiêm tốn.

Người dân hài lòng mới chi thu nhập tăng thêm - Bài cuối: Cần hoàn thiện cách đánh giá

Máy Kiosque khảo sát chỉ số hài lòng của người dân tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Khảo sát chưa đủ định lượng

Mới đây khi sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP HCM năm 2018, các lãnh đạo thành phố vẫn phải thừa nhận một thực tế là sự tham gia vào quá trình đánh giá chỉ số hài lòng của người dân còn chưa nhiều.

Cơ quan chủ trì là Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã thực hiện tiếp cận khảo sát đối với 2.468 người dân và tổ chức, nhưng chỉ khảo sát thành công được 1.132 đối tượng, trong đó khảo sát qua điện thoại đã là 1.051, số gặp trực tiếp chỉ 81 người. Các kết quả này được cho là chưa đánh giá chính xác được thái độ cũng như hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Khi sơ kết công tác này, ông Vũ Thanh Lưu- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM đã nhìn nhận thực tế một bộ phận người dân và doanh nghiệp (trong mẫu được lấy ý kiến) không tham dự buổi khảo sát trực tiếp tại các đơn vị hoặc không có ý kiến, cũng như không trả lời các câu hỏi của các điều tra viên qua điện thoại.

Về vấn đề trên, nhóm phóng viên Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn với đại diện một số cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Hầu hết các ý kiến cho rằng người dân vẫn còn mù mờ về các mẫu lấy ý kiến này. Có trường hợp cho rằng việc lấy thang tỷ lệ về mức độ hài lòng của dân để xét vào chi thu nhập cho cán bộ thì chưa đảm bảo được khách quan. Ghi nhận ý kiến tại Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM, hiện có 8 phòng, ban chuyên môn nhưng chỉ đặt máy chấm mức độ hài lòng của dân tại 1 nơi là bộ phận một cửa điện tử (nơi nhận và trả kết quả hồ sơ xin phép). Tại vị trí này có 3 nhân viên thực hiện trên tổng số lượng cán bộ công chức của Sở là gần 100 người. Như vậy, nếu lấy kết quả sự hài lòng của dân tại 1 bộ phận nhỏ này để làm kết quả cho cả Sở sẽ chưa bảo đảm tính toàn diện. “Liệu có không thỏa đáng với sự cố gắng của gần 100 cán bộ, công chức còn lại của Sở hay không?”- một cán bộ của Sở này bày tỏ băn khoăn.

Giám sát quá trình khảo sát

Về công tác này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý cơ quan khảo sát cần nghiên cứu ngoài gọi điện thoại và gặp trực tiếp thì còn hình thức nào khác cần phải đề xuất thêm. Mặt khác, quá trình khảo sát cũng cần phải lưu ý và xem lại nguyên nhân vì sao, cá nhân, tổ chức được liên hệ không mặn mà tham gia khảo sát như báo cáo sơ kết đã nêu.

Tại buổi sơ kết thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP HCM năm 2018, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019 mới đây, ông Trần Trọng Tuấn- Giám đốc Sở Xây dựng cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM khảo sát thường xuyên, liên tục, định kỳ hằng năm và ở tất cả cơ quan hành chính của thành phố để đảm bảo kết quả khảo sát khách quan, chính xác. Đồng thời, cơ quan thực hiện khảo sát cũng cần có sự so sánh, kiểm chứng cụ thể các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả của sự chuyển biến ra sao để đưa ra biện pháp chấn chỉnh, nhất là đối với các cá nhân, tổ chức còn yếu kém, thiếu sót khiến người dân chưa hài lòng.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh lại quy chế đánh giá, phân loại hiệu quả cán bộ, công chức trong khi quyết định mới về chi thu nhập tăng thêm có hiệu lực là cần thiết. Điều này để đảm bảo việc đánh giá sát, chặt chẽ hơn với cơ chế mới, mục tiêu là đạt được sự hài lòng của người dân ở mức cao nhất. Hơn nữa, cơ sở của kết quả thực hiện cơ chế này của TP HCM sẽ là mô hình để cấp có thẩm quyền nhân rộng ra một số thành phố trực thuộc Trung ương có những điểm tương đồng.

Cán bộ công chức, viên chức thuộc biên chế TP HCM trước mỗi kỳ chi thu nhập tăng thêm đều được họp, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để làm căn cứ chi. Theo thang bậc đánh giá của đề án thì phân ra các mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành nhiệm vụ… thì mức hoàn thành nhiệm vụ không được chi mức tối đa thu nhập tăng thêm. Vì vậy đánh giá đôi khi còn mang tính chủ quan, nên cần phải nghiên cứu kỹ lại phương pháp đánh giá. Ngoài ra, không hẳn cơ quan nào cũng có máy đánh giá hài lòng của người dân/doanh nghiệp. Tại nhiều cơ quan hiện nay, vẫn phải dựa vào kết quả của họp tổng kết cơ quan/đơn vị. Khi đó thì đánh giá thì lại có tình trạng từng xảy ra ở không ít nơi, đó là đánh giá có tính chủ quan, thiên vị - thủ trưởng đơn vị, cán bộ,… ít khi nào “không hoàn thành nhiệm vụ” - theo một cán bộ quản lý thị trường TP HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân hài lòng mới chi thu nhập tăng thêm - Bài cuối: Cần hoàn thiện cách đánh giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO