Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần

Đức Trân 29/12/2022 07:22

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam ung thư phổi hiện đứng thứ 2 sau ung thư gan ở cả nam và nữ. Đa phần khi phát hiện ra đều đã ở giai đoạn muộn nên phải kéo dài thời gian điều trị. Đáng lưu ý, thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra ung thư phổi.

Bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K.

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nam giới, hàng năm có khoảng 1,8 triệu người tử vong, chiếm tỷ lệ 18% tổng số ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam tính chung cho cả 2 giới ung thư phổi đứng thứ 2 chỉ sau ung thư gan, với 26.262 trường hợp mới mắc, chiếm 14,4% tổng số ca ung thư. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới, do tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới gia tăng, cũng như do hít phải khói thuốc.

Theo WHO, trong vòng 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên đáng kể cùng với số lượng người hút thuốc gia tăng. Trung bình người hút thuốc tăng nguy cơ liên quan tới ung thư phổi từ 5 - 10 lần.

Còn theo Bệnh viện K, nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Bên cạnh đó, tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư giống như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Hít khói thuốc lá được gọi là hút thuốc không tự nguyện hoặc thụ động. Điển hình, bệnh nhân nam 76 tuổi quê ở Nam Định nhập bệnh viện K với triệu chứng ho khan, tức ngực phải. Trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhân ho nhiều, ho khan, không có máu, tức ngực phải nhẹ. Bệnh nhân đi khám, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện u phổi phải. Sau khi thực hiện các biện pháp sàng lọc liên quan, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi phải di căn hạch rốn phổi, màng phổi. Các bác sĩ cho biết, gia đình bệnh nhân không có tiền sử ung thư, nhưng bệnh nhân này hút thuốc lào nhiều năm.

Một trường hợp khác, bệnh nhân Đ.V. Q. (51 tuổi, quê ở Hòa Bình), có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị, hút thuốc lào, thuốc lá hơn 40 năm. Hơn 3 tháng gần đây, bệnh nhân đau mỏi vùng vai phải, cổ, cánh tay bên phải, nhưng vì không có điều kiện nên không đi khám. Vài ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có ho, khạc đờm trắng đục, tình trạng đau nhức nhiều hơn nên đến bệnh viện thăm khám. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi khai thác tiền sử, nghi ngờ người bệnh có thể mắc ung thư phổi, các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính vùng ngực.

Bác sĩ Đào Mạnh Phương - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, đây là yếu tố quan trọng để nghĩ ngay đến cơ quan di căn từ phổi, do vậy bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính phổi. Kết quả chụp cắt lớp của bệnh nhân thấy khối u thùy trên phổi phải (28x50mm), nhiều hạch to trung thất, tổn thương cột sống ngực, xương bả vai phải và xương sườn…

Qua trường hợp của bệnh nhân, bác sĩ Phương khuyến cáo hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, lên đến 90%, do vậy cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ ung thư phổi.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh thì người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đi khám. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là không hút thuốc lá, hoặc sớm từ bỏ hút thuốc, đó là cơ hội tốt nhất để ngăn ngừa tổn thương phổi, hạn chế làm bệnh nặng thêm và tránh tử vong do bệnh.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám Bệnh viện K, thời gian cai thuốc lá càng kéo dài càng làm giảm nguy cơ ung thư phổi. Thậm chí, việc ngừng hút thuốc ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu có những kết quả tiên lượng có lợi. Nguy cơ ung thư phổi bắt đầu giảm trong vòng 2 - 3 năm đầu sau khi bỏ thuốc và giảm đều đặn trong 10 năm sau đó. Có thể khẳng định, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng, chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá; cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi; đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng, chống ung thư phổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO