Người lao động mơ giấc mơ an cư

K.Lê - M.Sang 18/05/2022 07:09

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án nhà ở với tổng số 23.965 căn hộ, trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.765 căn. Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng.

Người lao động vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội. Ảnh: Quang Vinh

Người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội

Thực tế cho thấy công nhân rất khó mua nhà, kể cả nhà ở xã hội, bởi lẽ mức lưcowng phần lớn công nhân nhận được không đủ để họ đảm bảo cho cuộc sống của cả gia đình ở thành phố.

10 năm ra Hà Nội lập nghiệp là bấy nhiêu năm vợ chồng chị Cao Thu Huệ, công nhân Công ty TNHH công nghệ cao Micro One, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội phải thuê nhà trọ. Ban đầu 2 vợ chồng thuê căn phòng 15m2 đã thấy chật chội, bức bối, nhất là mùa hè. Thế nhưng khi có thêm 2 đứa con, vợ chồng chị Huệ cũng không dám thuê căn phòng rộng rãi hơn vì thu nhập không tăng lên mà chi phí sinh hoạt lại tăng gấp 3, 4 lần.

“Để có thêm thu nhập, ngoài giờ đi làm, chồng tôi chạy grab kiếm thêm còn tôi đi dọn nhà theo giờ. Làm lụng, chi tiêu tiết kiệm cũng gom góp được một khoản, dự định 5 - 7 năm nữa mua nhà giá rẻ trả góp. Nhưng dịch Covid -19 ập đến, gần 2 năm hầu như không có việc làm, vậy là có bao nhiêu tiền tiết kiệm phải rút ra để chi tiêu. Giờ đây tôi không dám mơ được sở hữu một ngôi nhà” - chị Huệ chia sẻ.

Cùng trăn trở như chị Huệ, anh Nguyễn Văn Đức, công nhân khu công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hàng tháng nỗ lực tăng ca để tăng thu nhập thì tổng tiền lương của vợ chồng anh cũng chỉ được khoảng hơn 15 triệu đồng.

Trong đó, riêng tiền thuê nhà đã tốn hơn 2 triệu đồng, cùng với chi phí sinh hoạt hàng tháng và tiền học của con, nếu không thành viên nào ốm đau thì mỗi tháng gia đình để dành được khoảng 4 triệu đồng. Nhưng số tháng tiết kiệm được 4 triệu đồng không nhiều vì vậy, dù là nhà thu nhập thấp, nhà giá rẻ, vợ chồng anh Đức vẫn khó có thể mua được.

Theo khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở từ ngày 12/4/2022 đến 17/4/2022 tại TP HCM do Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thực hiện cho thấy, khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở.

Trong số này, chỉ gần 40.000 công nhân sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp. Hầu hết người lao động thuê trọ trong những căn phòng diện tích trung bình, giá thuê trung bình 1,6 triệu đồng/tháng, khoảng 4 người cùng ở. Nhiều người cho biết họ phải dành 10-15% thu nhập chi trả tiền thuê nhà.

Giấc mơ được sở hữu nhà ở của người lao động vẫn rất xa vời. Ảnh: Quang Vinh.

Những khoảng trống cần lấp đầy

Thực tế cho thấy, trước tốc độ phát triển khu đô thị công nghiệp tăng nhanh thì nhu cầu về nhà ở của người lao động cũng tăng theo. Song, vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ.

“Từ đầu năm đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án nhà ở với tổng số 23.965 căn hộ, trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.765 căn. Tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa như kỳ vọng” - ông Sinh đánh giá.

Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ nay đến ngày 21/5, công đoàn cả nước sẽ lấy ý kiến công nhân, người lao động về các vấn đề quan tâm nhất, nhằm đề xuất chương trình đối thoại, gặp gỡ giữa công nhân với Thủ tướng Chính phủ có chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi ý một số nhóm vấn đề như chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; giải quyết vấn đề cấp bách về nhà ở, nhà trẻ, sinh hoạt văn hóa, nơi khám, chữa bệnh; tín dụng cho công nhân; đào tạo nâng cao tay nghề; tác phong công nghiệp; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để công nhân nỗ lực trong lao động sản xuất, cống hiến, xây dựng, phát triển đất nước; các sáng kiến, đề xuất, hiến kế của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động phát triển đất nước, thực hiện khát vọng dân tộc…

Giải đáp câu hỏi bao giờ cung theo kịp cầu? nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội nhưng vẫn còn “điểm nghẽn” khiến ít nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, cơ chế ưu đãi chưa hài hòa lợi ích và thủ tục hành chính còn phức tạp...

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trên theo các chuyên gia, vấn đề nhà ở cho công nhân đang tồn tại rất nhiều bất cập, khoảng trống. Ở nhiều địa phương, dù khu dự án nhà cho công nhân đã hoàn thiện và đi vào hoạt động nhưng lại không thu hút được người lao động vào thuê.

Đơn cử như tại Bắc Ninh, theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện có 100 ngàn lao động ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở nhưng chỉ có 20% người lao động được thụ hưởng điều kiện ở ký túc xá của doanh nghiệp. Trong khi tại các dự án nhà ở dành cho công nhân đã đi vào hoạt động nhưng số lượng công nhân ở không cao.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh đã có 7 dự án nhà ở cho công nhân đã đi vào hoạt động nhưng mới chỉ có 2.000 công nhân lao động trực tiếp vào thuê trọ. Theo bà Hà, sở dĩ nhu cầu thuê trọ nhiều nhưng số công nhân đến ở tại các dự án nhà ở lại ít là do, đa phần khu nhà dự án có mức giá cho thuê cao. Trong khi đó quy định giờ ra vào không phù hợp với điều kiện ca kíp cũng như nhu cầu sinh hoạt giao lưu của công nhân.

“Trước thực tế này, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, cùng với đẩy mạnh quy hoạch đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở công nhân, Bắc Ninh đang nỗ lực ban hành tiêu chí về nhà trọ, quản lý mặt bằng về giá cũng như tiêu chí về điện nước để từ đó bảo vệ quyền lợi cho người lao động” - bà Hà cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường cũng cho rằng, tìm nguồn lực để xây nhà ở cho công nhân đã khó, nhưng việc thu hút công nhân vào ở còn khó hơn. “Để thu hút được công nhân, cần nghiên cứu bù giá cho nhà công nhân, chi phí cho thuê chỉ nên dao động từ 10-15% thu nhập của công nhân. Cùng với đó, công tác quản lý linh hoạt, có như thế mới thu hút được NLĐ vào ở trong dự án nhà ở cho công nhân” - ông Dũng đề xuất.

Đề xuất chính sách gợi mở cho vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, nhà thuê là một chính sách rất đặc biệt mà chúng ta cần phải tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân. Bởi hiện nay, khả năng thu nhập của công nhân để có thể mua, sở hữu một căn hộ là quá khó khăn. Nếu như có chính sách thuê nhà ở đảm bảo điều kiện về chỗ ở an toàn, sạch đẹp và có trường học, bệnh viện ở khu vực gần nơi công nhân lao động làm việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH:

Chính sách phải được thực hiện đồng bộ

Hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ mạnh; nhiều thủ tục còn phiền hà... Cơ chế xây nhà ở cho công nhân đã khó, làm sao để người lao động tiếp cận được với nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp lại khó hơn. Bởi nhìn vào thu nhập hiện nay của người lao động có thể thấy, để sở hữu một căn nhà không hề đơn giản, nhất là ở những đô thị, thành phố lớn.

Vì vậy, việc triển khai chính sách hỗ trợ xây dựng dự án Nhà ở cho công nhân cần phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Trong đó vai trò của các địa phương rất quan trọng trong việc bố trí quỹ đất cũng như triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà xã hội.

Hiện nay Chính phủ đang triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng, đây được xem là chính sách hỗ trợ rất kịp thời, đúng lúc để giúp người lao động vượt qua cú sốc của dịch nhưng về lâu dài, vấn đề an cư là quan trọng nhất.

Lê Bảo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động mơ giấc mơ an cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO