Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên

Hải Lộng - Thùy Trang 24/08/2019 09:48

Trong hai ngày 23 - 24/8, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò của người có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới”, tại Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tới dự và chỉ đạo có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, ông Vũ Dương Châu, Trưởng Ban Dân tộc, cùng lãnh đạo các Ban của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tham dự Hội nghị còn có ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai; ông Hồ Văn Điềm, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai và trên 100 đại biểu đại diện hàng ngàn người có uy tín trong các dân tộc thiểu số khắp các địa phương trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó còn có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cũng về dự.

Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,6% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã và cư trú chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, khu vực rừng phòng hộ xung yếu, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam đã đoàn kết gắn bó, chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau dựng nước và giữ nước, làm nên lịch sử vẻ vang và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã xác định công tác dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cùng với đồng bào các DTTS, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống yêu nước nồng nàn, trung dũng kiên cường đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu, cần cù trong lao động, đoàn kết từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên - 1

Ông Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị.

Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam cách đây 73 năm, được tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 19/4/1946; Bác Hồ đã gửi Thư chúc mừng Đại hội với nội dung: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Chúng ta phải thương yêu nhau, phái kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Bức thư thể hiện tất cả tâm huyết, tình cảm thiết tha của Đảng, của Bác đối với các dân tộc thiểu số. Bức thư như lời hiệu triệu, khích lệ hàng triệu con tim đồng bào dân tộc thiểu số miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đoàn kết đi theo Đảng, Bác Hồ, làm nên biết bao kỳ tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Hội nghị đã được nghe nhiều báo cáo tham luận về những cách làm hay, những mô hình điển hình tiên tiến của các địa phương trên diễn đàn hội nghị như: các cuộc vận động hiến hàng chục ngàn mét vuông đất ở huyện Chư Prong tỉnh Gia Lai, để làm đường, cũng như xây dựng các công trình phúc lợi. Mô hình giúp nhau làm kinh tế giỏi ở Lâm Đồng, v.v… Cơ sở hạ tầng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã và đang ngày càng được kiên cố, sạch đẹp, các vấn đề an sinh xã hội phát triển, giáo dục y tế tiếp tục được đầu tư, thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày một cao.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhiệt liệt biểu dương gần 5.000 người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phó Chủ tịch rất mong các vị tiếp tục là tấm gương sáng, luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”.

Trong những năm qua, Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chính sách dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Cương lĩnh, Hiến pháp và nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc và khẳng định thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số để hướng tới mục tiêu cuối cùng là làm cho các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Hiện nay, cả nước có 34.031 người có uy tín (khu vực Tây Nguyên có gần 5.000 người), trong thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng, đóng góp đối ứng kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; không tảo hôn, không sinh con thứ 3; quan tâm tạo điều kiện cho trẻ đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia bảo tồn, phục dựng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc thiểu số... xây dựng thôn, buôn, làng ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng Tây Nguyên hôm nay và trong tương lai ngày càng tươi đẹp.

Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên - 2

Quang cảnh Hội nghị.

Trước đó, chiều ngày 23/8 toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị tọa đàm “Phát huy vai trò của người có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong xây dựng nông thôn mới”, do đồng chí Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã về thôn Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện.

Đây là mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thôn Plei Pông là 1 trong những thôn được huyện quan tâm xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu; thôn Plei Pông có trên 80% dân số là dân tộc Bahnar, sinh sống chủ yếu bằng nghề lao động nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, nhà ở, đất vườn chật hẹp, không có tường rào ngăn giữa các hộ, không có nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi sử dụng gầm nhà sàn, cảnh quan môi trường chưa đảm bảo, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, hạn chế nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn.

Từ những hạn chế, khó khăn của thôn, với vai trò là người uy tín, Bí thư Chi bộ thôn, ông Đinh Tuy (dân tộc Bah Nar) xác định cần phải phối hợp với chính quyền và các Đoàn thể trong thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động.

Vận động người dân di dời, sắp xếp 62 nhà chính, 11 nhà phụ; di dời 1 Nhà Rông truyền thống theo vị trí quy hoạch; vận động được 74/74 hộ dân di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà; hướng dẫn bà con làm được 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống; Sắp xếp bố trí thiết chế văn hóa: Hiện thôn Plei Pông có 2 Nhà Rông: Trong đó 1 Nhà Rông truyền thống và một Nhà Rông văn hóa và đã được quy hoạch khu thể thao.

Vận động người dân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư như: Điện, đường giao thông bê tông, Hệ thống nước sinh hoạt đúng mục đích, quy định.

Đến nay đời sống của bà con người Bah nar đã cơ bản ổn định, nhà ở được tu sửa vững chắc hơn, đất vườn được phân lô rộng hơn (600 - 800m2/hộ) đảm bảo có đất vườn và nơi bố trí chuồng trại, tường rào ngăn giữa các hộ được thực hiện đảm bảo, nhà vệ sinh đã dần được người dân có ý thức xây dựng, chuồng trại nuôi nhốt gia sút đã được người dân di dời ra khỏi gầm sàn nhà, cảnh quan môi trường gọn gàn sạch sẽ. Bộ mặt làng nông thôn mới tại thôn Plei Pông đã được khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Dương Châu biểu dương các cấp, các ngành đã quan tâm và quyết tâm xây dựng Plei Pông từ một thôn quanh năm đói nghèo, nay đã từng bước thay da đổi thịt, trở thành thôn tiêu biểu trong việc xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ riêng tỉnh Gia Lai mà cũng là mô hình tiêu biểu của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Đặc biệt đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã từng bước có tính trách nhiệm với cộng đồng hơn, đã giảm dần tính chông chờ ỷ lại vào Nhà nước, nay đã cùng nhau vươn lên thoát nghèo và làm giầu chính đáng….

Tại đây, ông Vũ Dương Châu đã thay mặt lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cho chính quyền và nhân dân thôn Plei Pông.

Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên - 3

Ông Vũ Dương Châu đã thay mặt lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cho chính quyền và nhân dân thôn Plei Pông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển nông thôn mới ở Tây Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO