Nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh bị phạt 12 năm tù

Hạnh Nguyên 02/12/2016 16:40

Nguyên Chủ tịch UBND huyện, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường và giải phóng mặt bằng (HĐBT&GPMB) huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Bổng phải chịu mức án cao nhất 12 năm tù, 7 thuộc cấp của ông Bổng bị phạt từ 3 đến 11 năm tù.

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án.

Chiều nay, 2/12, TAND Hà Tĩnh chính thức tuyên án đối với 8 bị cáo trong vụ “hô biến” đất công thành đất tranh chấp để trục lợi.

Các bị cáo Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Chủ tịch HĐBT-GPMB; Phạm Huy Tường (nguyên Trưởng phòng TN&MT, Phó Chủ tịch HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh); Lê Anh Đức, Lê Xuân Nghinh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Long); Lê Quang Hà (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Riêng 2 bị cáo Hồ Xuân Cường, nguyên là cán bộ HĐBT-GPMB huyện Kỳ Anh; Lê Công Diếu (nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, thực hiện các quyết định về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân thuộc dự án trọng điểm gang thép Formosa giai đoạn 2008 - 2009, tại xã Kỳ Long có 61,39 ha đất công do chính quyền quản lý và đất do dân khai hoang phục hóa.

Diện tích đất công sẽ không được bồi thường, hỗ trợ; riêng diện tích đất do dân khai hoang phục hóa sau mốc 1/7/2004 sẽ được hỗ trợ bằng 30% giá bồi thường đất nông nghiệp.

Nắm rõ điều đó, Nguyễn Văn Bổng đã cấu kết với Phạm Huy, Lê Anh Đức, Lê Hữu Diện, Lê Quang Hà, Lê Xuân Nghinh lập hồ sơ đưa 61,39 ha đất công vào diện “đất tranh chấp”, nên được UBND tỉnh phê duyệt phương án, dự toán kinh phí bồi thường số tiền 22,748 tỷ đồng.

Với ý đồ chiếm đoạt số tiền này, Lê Hữu Diện, Lê Xuân Nghinh đã trực tiếp gặp Nguyễn Văn Bổng xin chủ trương giải quyết và được Nguyễn Văn Bổng cho chủ trương họp dân, lập hồ sơ bồi thường trình HĐBT-GPMB huyện áp giá chi trả.

Được Chủ tịch huyện đồng ý, cả Chủ tịch và Bí thư xã Kỳ Long đã tổ chức họp dân, thống nhất cho các hộ dân đứng tên trong hồ sơ và phân chia tiền bồi thường như sau: Đất hộ dân tự khai hoang không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 50%, xã trích lại 50%; đất hộ dân tự phục hóa không có giấy tờ thì hộ dân được hưởng 30%, xã trích lại 70%; đất chưa sử dụng thì giao cho cán bộ xã, xóm đứng tên để lấy 100% thu vào ngân sách xã.

Tiếp tay giúp cho xã Kỳ Long hợp thức hồ sơ, Phạm Huy Tường đã giao Lê Anh Đức trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ chuyển đổi từ đất công do UBND xã quản lý sang đất giao cho hộ dân sử dụng và cùng Lê Quang Hà lập 412 bản kiểm kê, nâng khống số lượng tiền đền bù lên số tiền 21,609 tỷ đồng, còn lại 47 biên bản Hà trực tiếp thực hiện với số tiền 1,077 tỷ đồng.

Tổng số tiền 22,686 tỷ đồng đã được Nguyễn Văn Bổng ký chi trả cho các hộ dân đứng tên mà không thông qua thẩm định của Sở Tài chính và phê duyệt của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thực chất các hộ dân chỉ thực nhận 10,377 tỷ đồng theo thỏa thuận từ trước.

Không dừng lại ở xã Kỳ Long, Nguyễn Văn Bổng và Phạm Huy Tường còn chỉ đạo lập hồ sơ khống, biến 11,39 ha đất công ở xã Kỳ Phương thành “đất tranh chấp” để được áp giá đền bù 4,223 tỷ đồng.

Theo đó, để biến 11,39ha đất công này thành “đất tranh chấp”, được tỉnh áp giá đền bù, Lê Công Diếu đã gặp Hồ Xuân Cường để phối hợp thực hiện. Hồ Xuân Cường đã sử dụng danh sách hộ dân mà các thôn thuộc xã Kỳ Phương gửi lên để lập thành 146 biên bản áp giá, với tổng số tiền 4,223 tỷ đồng và được Nguyễn Văn Bổng bỏ qua các điều kiện, thủ tục bắt buộc, ra quyết định chi trả toàn bộ số tiền trên cho xã Kỳ Phương.

Quá trình điều tra và truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng đã xác định, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật về bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thì diện tích 61,39 ha đất tại xã Kỳ Long nói trên chỉ được hỗ trợ số tiền 13,011 tỷ đồng, còn lại 9,639 tỷ đồng trên tổng số tiền đã chi trả là gây thiệt hại cho ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng của BQL khu kinh tế Vũng Áng, trực thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Với diện tích 11,39 ha đất tại xã Kỳ Phương nói trên, cơ quan chức năng xác định chỉ được hỗ trợ 3,337 tỷ đồng, chênh lệch 885,594 triệu đồng, trong đó thất thoát 840,954 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền thất thoát ngân sách do các cán bộ nêu trên cố ý làm trái, được xác định 10,480 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sáng 1/12, khi được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Bổng cho rằng mình sai phạm vì áp lực giải phóng mặt bằng, thực hiện nhiệm vụ vì nước, vì dân, vì quê hương...

"Tôi còn 1 năm rưỡi nữa là đến 60 tuổi và có 40 năm hoạt động rồi. Hiện tại tôi là một công chức của UBND thị xã Kỳ Anh. Tôi đã thi và đạt chuyên viên cao cấp từ năm 2011. Hiện nay tôi xin đề nghị miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt cho tôi ở ngoài xã hội tiếp tục cống hiến cho quê hương”, ông Bổng nói.

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, chiều 2/12, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bổng 12 năm tù giam, buộc phải bồi thường cho BQL KKT Hà Tĩnh số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; Phạm Huy Tường 11 năm tù và bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng; Lê Xuân Nghinh 10 năm tù, phải bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng; Lê Quang Hà 10 năm tù, phải bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng; Lê Anh Đức 8 năm tù và bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng; Lê Công Diếu và Hồ Xuân Cường chịu mức án 3 năm tù và buộc phải bồi thường hơn 142 triệu đồng.

Riêng bị cáo Lê Hữu Diện đã chết trước khi vụ án được đưa ra xét xử nên được miễn trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh bị phạt 12 năm tù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO