Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Hãy tập cách chuyển năng lượng xấu thành tốt

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/08/2020 14:00

Là người con sinh ra tại Đà Nẵng, con trai của anh về quê thăm ông bà cũng là lúc Đà Nẵng trở thành tâm điểm dịch của cả nước. Sự cố bất ngờ đó làm cho nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh lo lắng. Với anh, bệnh tật và thiên tai là hai thứ không thể nào lường trước được.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cháu về Đà Nẵng chơi với ông nội (nhà thơ Đông Trình) 10 ngày và chúng tôi đã đăng ký vé máy bay cho cháu trở lại TP HCM là 16h, ngày 28/7. Nhưng lúc rạng sáng ngày 28 đã có lệnh của Chính phủ, Đà Nẵng bị đặt vào báo động, giãn cách ly toàn thành phố. Mọi chuyến bay đi đến, kể cả các đơn vị vận chuyển khác như xe hơi, tàu thủy, tàu hỏa… bị cấm “ngoại bất xuất, nội bất nhập”.

PV:Chúng ta đã giữ được không có ca lây nhiễm gần 100 ngày, trong tình hình dịch bệnh trên thế giới lại rất ảm đạm?

- Thật đáng tiếc vì chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội vàng, đó là sự cảnh tỉnh trước cái ác và nguy cơ đe dọa của bệnh tật. Nếu chúng ta đã làm tốt một công việc “bất trị” so với thế giới thì càng phải tỉnh táo hơn, quyết liệt hơn nếu luôn có thông điệp nhắc nhở chúng ta đang ở rất gần biên giới của sự đe dọa. Nhưng như tôi đã nói, không ai biết lúc nào cái Chết lẻn vào và khi nào thì bùng nổ một thiên tai có nguy cơ xóa sổ mọi thứ. Nhưng tôi vẫn tin trật tự sẽ được tái lập vì Việt Nam luôn tìm thấy sự bản lĩnh trong các đối kháng để tìm ra phương thuốc đối trị.

Với một người làm công việc sáng tạo, tôi đề cao những phương pháp thức tỉnh sự suy tư. Quả thật trái đất đã quá già cỗi và càng ngày càng bạc trắng vì những âm mưu. Đến một lúc như lúc này, không khí cũng không còn trong lành mà mang theo trong từng hơi thở sự lăng nhục và chết chóc. Cái chết với sự già cỗi, mưu mô cùng những héo mòn, sự tàn tạ vì tham vọng lẫn tội lỗi... làm sự suy tư “tận gốc rễ” cũng cần thiết như câu hỏi tại sao chúng ta có mặt ở đây, bây giờ và sẽ làm gì vậy? Với một thi sĩ, quan trọng hơn: Y viết gì giữa thế giới hỗn loạn và bất bình thường như thế này? Giữa mi và trang viết? Ai ra đi, ai ở lại? Vì sao?

Dịch bệnh lần này ảnh hưởng đến công việc hiện tại của anh cũng như gia đình quê hương Đà Nẵng của anh ra sao?

- Tôi chỉ muốn trích dẫn một câu điện thoại đầu tiên của một người em, khá nghệ sĩ, là một tay chơi ảnh rất cừ tên Hà Ngọc Sang, và là một doanh nghiệp nhỏ. Anh vốn chưa thấy than thở với ai bất cứ một sự việc gì trong cuộc đời bao giờ: “Lần này sẽ căng thật đấy anh ạ! Là người làm dịch vụ với thị trường Đà Nẵng, em biết, cú dịch trước đã đẩy tất cả vào ngưỡng khủng hoảng nhưng cố sức vẫn có thể đứng được. Mới phục hồi được chưa đầy hai tháng chưa kịp hồi phục đã tiếp cú thứ hai. Khó thật rồi…”. Và thật Đà Nẵng bây giờ đâu còn là một cửa biển của miền Trung mà đang là vấn đề của cả thế giới.

Tuy nhiên trong thời gian này, dù có lo lắng anh vẫn duy trì công việc, cuộc sống diễn ra bình thường và vẫn sáng tác một cách tích cực?

- Thật kỳ lạ là tôi vẫn đầy cảm xúc và viết được nhiều hơn. Có lẽ trong những tình trạng bất cân đối người làm nghệ thuật lấy sự sáng tạo làm điểm đột phá để giữ thăng bằng. Tôi vẫn làm được một số thơ mới. Viết 2 ca khúc chủ đề về biển theo đặt hàng của chương trình Caravan (Hội Bảo vệ Mội trường TP.HCM) cho hành trình Cam Ranh vào tháng 10/2020 và Biển Đá Vàng Nha Trang. Sửa chữa tiểu luận phê bình cho Hội thảo Quốc tế ở Đức vào tháng 6/2021. Làm cho xong bản thảo cuốn chân dung văn nghệ sĩ “Quyền năng nghệ thuật” theo kế hoạch xuất bản của tôi trong năm nay.

Vậy cách mà anh đi qua lo âu, bất an như thế nào?

- Các kinh nghiệm đều không vừa khổ với cái chết và dịch bệnh. Tuy nhiên, vì là người có tập Thiền nên tôi luôn tự nhủ mình phải giữa thăng bằng và tập nhẫn nại. Một cái lá rơi xuống đều để lại một dư chấn, một con bướm quạt cánh có thể gây nên một trận bão hàng ngàn cây số. Nếu bản thể, chân thân đựng đầy thị phi, xung nộ thì các hơi thở sẽ bị xé toạc. Không giữ được hơi thở và giữ đúng hơi thở bạn sẽ chuốc lấy tai họa hay nguy hiểm cho chính mình. Có lẽ, sẽ đi qua tất cả bão tố và chông chênh nếu bạn giữ được hơi thở và sự điều độ.

Sau một thời gian dài, lần gặp này, có phải tôi đang gặp hai Nguyễn Hữu Hồng Minh quá khứ - hiện tại rất khác nhau về tinh thần?

- Nhiều người nói như vậy! Và tôi cũng cảm những đúng như vậy! Tôi là người để nhiều nghiên cứu vào để tìm một cách thế vượt thoát cho trình trạng mất thăng bằng của mình khi tan vỡ gia đình một thời. Và tôi tìm thấy những xung lực trong sự xung đột. Hãy tập cách biến những năng lượng xấu thành năng lượng tốt. Bởi suy cho cùng nó cũng từ một hơi thở mà ra cả!

Mang trong mình sự lạc quan, vui vẻ, điều gì đã mang tới tinh thần này trong anh?

- Có một sự bất cập của giới nghệ sĩ là thường tưởng mình biết được, thậm chí hơn thiên hạ, việc biết rất nhiều chuyện tháu cáy, riêng tư của người khác. Nhưng chính bản thân mình thì lại chưa thấu hiểu bao nhiêu. Đi đứng quềnh quoàng, ăn uống nhồm nhoàm, nói năng hàm hỗn, khoe khoang… không khác con vật bao nhiêu. Hiện nay, khi đời sống cao, chúng ta trang bị, mặc áo quần và chăm sóc cho con vật (chó, mèo, khỉ, thỏ, chim chóc…) nom bộ dạng chúng chẳng khác gì những con người. Hãy tìm hiểu thật kỹ càng về chính mình để thay đổi. Bạn sẽ nhận thấy nhiều sự kỳ lạ. Về khả năng, tiềm năng của chính bạn! Hãy tin tôi đi!

Nhưng cũng không tránh khỏi những lo âu, và làm sao để chúng tiêu tan đi?

- Thật lạ lùng là tôi không thấy lo lắng gì cả vì mình “vừa đủ” cho mọi thứ! Vừa đủ công việc, vừa đủ thời gian, vừa đủ đam mê. Những kẻ lo lắng, tôi nghĩ, phải có nhiều hơn sự vừa đủ! Vì ở vị trí đó anh lo sợ, tiếc rẻ, bất an vì những ám ảnh mất mát, sự chiếm đoạt… Thế giới chúng ta đang sống đang xoay chuyển một cách kỳ lạ! Bạn thử trả lời tôi.

Giữa một đại nạn như Covid-19 ai sẽ lo lắng hơn giữa người giàu và kẻ nghẻo? Ai tiếc nuối nhiều hơn? Thế giới có sụp đổ thì nghệ sĩ vẫn cho hai tay vào túi quần và bước đi thong dong thế thôi! Để một bài thơ hay một ca khúc mới được bắt đầu!

Xin cảm ơn anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Hãy tập cách chuyển năng lượng xấu thành tốt