Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Ghi lại những dấu vết văn hóa sâu đậm của Thăng Long xưa

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/10/2022 08:16

Với nhà văn Nguyễn Trương Quý, nói về kỷ niệm gắn bó nhất là những con đường thời đi học của một Hà Nội luôn hiện ra với sự quang đãng, dù trời nắng chói chang hay mùa đông gió rét. Con đường anh rất hay đi để đến trường là đê La Thành. Con đường nhỏ đi qua Ô Chợ Dừa với những làng xóm hồi đó còn lúp xúp chân đê.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Ở đó, anh từng cắt tóc, ăn quà sáng là món bún bung do một bà cụ bán, có lẽ giờ bà cũng mất rồi. Sau này, anh mới biết đó chính là một đoạn bức tường lũy thành Đại La và Thăng Long xưa. Những hiểu biết làm cho kỷ niệm trong anh về Hà Nội sống động hơn.

Hà Nội với Nguyễn Trương Quý là tuổi thơ, là thời đến trường, là không gian cho tuổi trẻ khám phá: “Với tôi, Hà Nội còn là sự biến đổi không ngừng của bốn mùa nhưng cũng giữ một cảm giác tuần hoàn quen thuộc. Nói chung, những gì đáng kể đã có được cũng là nhờ Hà Nội”.

Tập khảo cứu mới nhất của Nguyễn Trương Quý - “Triệu dấu chân qua những cửa ô”, được ra đời trong khi đi tìm những câu chuyện về Hà Nội trong vòng trăm năm qua, nghĩa là khoảng thời gian Hà Nội được tạo dựng thành một thành phố hiện đại. Nguyễn Trương Quý gặp những câu chuyện khó xếp vào một chủ đề duy nhất: “Chúng nằm ở khoảng giao thoa của rất nhiều chủ đề làm nên chân dung thành phố”, anh tâm sự. “Tôi bắt đầu mạch những khảo cứu này ở tâm thế kẻ lang thang trên những con đường cũ mới, trong những trang viết, bài thơ hay câu hát về chúng, rồi đến một lúc lan rộng ra những ngã rẽ hay dừng chân ở những khoảng không gian mà tôi ví chúng như quảng trường, ngã tư. Tập khảo cứu này, thực sự là một hành trình được thuật lại.

Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch luôn gắn với vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Tinh tế từ cái ăn, cái mặc đến nết ở, nếp sống, người Hà Nội luôn ý thức gìn giữ những chuẩn mực đạo đức lối sống, nhất là nề nếp gia phong. Nhờ thế, dù những giá trị vật chất có ảnh hưởng sâu rộng và trở thành mục đích sống, thì người Hà Nội vẫn giữ được sự thanh thản bình an giữa sự phong phú về đời sống tinh thần.

Hà Nội có nhiều cửa ô, tôi chọn biểu tượng này vì lẽ chúng là tên gọi gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành để tìm hiểu những câu chuyện của đời phố. Trên hành trình ấy, những chuyến tàu xe theo dọc dài lịch sử cận và hiện đại lại chở những nhân vật văn hóa.

Mỗi người trong số họ cũng có cuộc hành trình riêng, nhưng đều đi trên một chuyến chuyển dịch lớn của xã hội Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến động. Những nhân vật tôi chọn viết về là những người khách của một khoang riêng trên chuyến tàu, họ có thể gây chú ý ở số ghế quá đặc biệt nhưng cũng có khi lặng lẽ lướt qua lối đi.

Phần lớn cuộc di chuyển lại tựa như một chuyến du ngoạn chậm rãi vòng quanh Hà Nội, người lên người xuống, có người đi mang theo hình bóng một thời không quay trở lại, có người lên lại nhắc nhở về quá khứ dưới một dáng vẻ mới.

Ô Quan Chưởng - Tranh Nguyễn Trương Quý.

Tôi thường đặt những nhân vật văn hóa ấy trong thế tương quan về nội hàm tác phẩm họ đem lại, như Nguyễn Huy Lượng, tác giả “Tụng Tây Hồ phú” ca ngợi cảnh sắc hồ Tây thời Tây Sơn và Phạm Thái, người đã viết bài “Chiến Tụng Tây hồ phú” để đả phá lại, và sau đó Phạm Thái lại trở thành nhân vật của Khái Hưng trong tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ”. Nhưng tất cả những nhân vật như vậy lại là chứng nhân cho một không gian quan trọng của Hà Nội là hồ Tây, chốn được coi như phần hoang dã của thành phố cho đến tận cuối thế kỷ trước, nhưng cũng là một nơi chốn đã ghi lại những dấu vết văn hóa sâu đậm của Thăng Long xưa”.

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, sự bảo lưu các giá trị thuộc về nếp sống đúng là một thứ giúp làm nên căn tính của một nơi như Hà Nội: “Ở một góc độ thì điều này có vẻ bị xem như bảo thủ, và đúng là nhiều khi cũng có sự kìm hãm phát triển, khi mang sắc thái hoài cổ. Nhưng trong thời đại chính những “thương hiệu” lại là thứ giúp cho mỗi nơi chốn có được sức hút, thì cũng rất cần tìm cách lọc lấy những điều đẹp đẽ đã có, nhất là từng thành nền nếp. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta có xu hướng lưu luyến cái đã qua, là bởi có những giai đoạn đáng ghi nhận trong việc sản sinh ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị của lịch sử nước nhà”.

Với Nguyễn Trương Quý, viết khảo cứu là một cuộc hành trình đầy nhọc nhằn và nhiều khi gây cảm giác kén người đọc: “Nhưng thực sự tôi muốn cho thấy rằng, viết để đọc thấy thú vị mới là cái đích của mình. Tôi cũng vui vì một đề tài như Hà Nội cũng vẫn còn được quan tâm và chia sẻ. Mặc dù việc đọc sách giờ có vẻ hơi “xa xỉ” trong đời sống, nhưng tôi nghĩ là vẫn luôn có những nhóm người đọc tìm đến sách, nhất là những gì các tác giả cố gắng lao động.

Cuốn “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” của Nguyễn Trương Quý sắp ra mắt sẽ phục hiện lại những chuyến hành trình sáng tạo của các nhạc sĩ trẻ trong trào lưu tân nhạc thời kỳ đầu, trong đó nổi bật là Lưu Hữu Phước hay Văn Cao, những tên tuổi đã sinh ra các tác phẩm đóng vai trò kiến tạo nên biểu tượng của nước Việt Nam độc lập trong cao trào giải phóng dân tộc. Anh tâm sự: “Hà Nội đối với những diễn biến đó, thực sự là một chiến địa văn hóa nhiều ẩn số nhưng cũng rất thú vị đối với một người tiến hành du khảo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Ghi lại những dấu vết văn hóa sâu đậm của Thăng Long xưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO