Nhà văn Văn Thành Lê (TP HCM): Chấp nhận và thích ứng hoàn cảnh

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/10/2021 16:48

Nhiều tháng qua, Văn Thành Lê làm việc tại nhà, công việc và các hoạt động riêng - chung khác được thực hiện thông qua các ứng dụng kết nối trực tuyến.

Ranh giới sống - chết trở nên mong manh khi chị gái và cháu trai của nhà văn Văn Thành Lê (sinh năm 1986) trở thành F0, nhập viện cách ly hơn một tháng, ở cơ quan có đồng nghiệp qua đời vì dịch bệnh, nhiều người thân của bạn bè cũng ra đi. Với Văn Thành Lê, đó là thời gian cần biết chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách thích ứng.

Nhiều tháng qua, Văn Thành Lê làm việc tại nhà, công việc và các hoạt động riêng - chung khác được thực hiện thông qua các ứng dụng kết nối trực tuyến.

“Chúng ta vẫn nói, chống dịch như chống giặc, nhưng “địch” là virus thì vô hình nên không thể tay không bắt giặc”, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ. “Không thấy giặc để chống thì tốt nhất là phòng. Thực tế virus Corona với những biến thể khôn lường là thứ không thể cậy sức trẻ. Gia đình tôi lại có cả người già và trẻ nhỏ. Vậy nên tránh virus chẳng xấu mặt nào, đóng cửa bảo nhau theo đúng nghĩa đen ở nhà. Hạn chế tối đa tương tác trực tiếp với bên ngoài trong suốt thời gian giãn cách. May mắn là khu vực tôi ở đến thời điểm này vẫn thuộc vùng còn dễ xoay sở, chưa bị che đường chắn lối phong tỏa, nên lương thực thực phẩm cho sinh hoạt vẫn được đảm bảo với hệ thống siêu thị mini và các Shophouse hoặc đặt, giao – nhận hàng tại sảnh chung cư”.

Với Văn Thành Lê, làn sóng dịch thứ tư này nằm ngoài sự tưởng tượng và hình dung của nhiều người: “Dịch bệnh làm vỡ ra đủ thứ, từ phản - xạ - sống của người dân đến cách phản ứng, quản lí của chính quyền ở các cấp. Nó như một thứ thuốc thử nồng độ cao, khiến mọi thứ hiện nguyên hình.

Dịch bệnh chạm đến kinh tế đầu tiên, ảnh hưởng nặng nề, nhưng rồi dịch cũng sẽ qua đi, bằng cách này cách khác kinh tế sẽ được phục hồi và phát triển trở lại, nhưng tinh thần con người thì không dễ phục hồi như kinh tế. Dịch bệnh sẽ để lại những di chứng hữu hình và vô hình lâu dài ở mỗi người, thậm chí cả đời.

Sau 3 tháng giãn cách, anh bạn tôi đã phải nhập viện tâm thần vì stress, nhìn ảnh không nhận ra được anh ấy nữa. Anh chỉ là một trong vô vàn những hoàn cảnh khủng hoảng, mà vẫn chưa là gì với nhiều hoàn cảnh khủng hoảng khác. Kể cả chị và tôi, chắc chắn rồi cách nhìn về cuộc sống, thiên nhiên, con người của chúng ta cũng sẽ khác. Bao người khác nữa, có lẽ cũng thế. Nhất là trẻ em, đi qua dịch bệnh, sẽ lớn lên với tâm thế khác”.

Từ đầu đại dịch đến nay, rất nhiều đơn vị xuất bản phải thu hẹp hệ thống nhà sách, văn phòng đại diện, cắt giảm nhân sự, cán bộ công nhân viên chia sẻ với đơn vị mình bằng cách nhận lương thưởng ở mức… cơ bản. Từ tháng 7 đến nay, phát hành sách gần như đóng băng.

Theo nhà văn Văn Thành Lê: “Khi không thể thay đổi được hoàn cảnh thì cách tốt nhất là chấp nhận và thích ứng. Tôi nghĩ, đây cũng là dịp để mình có thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho con nhỏ. Khởi động một vài dự án cá nhân, với sách vở. Rồi kết nối người thân, bạn bè, cộng đồng. Rồi nhìn vào những câu chuyện tích cực, những hình ảnh đẹp giữa đại dịch cũng là cách để tinh thần không chạm đáy.

Đại dịch lần này có lẽ vượt ngưỡng “chịu nhiệt” của nhiều người. Trong cái cơ chế tự điều chỉnh của bản thân, trước giờ tôi thấy mình cũng khá. Nhưng phải thành thật là, giãn cách kéo dài, công việc không ngừng hẳn nhưng hiệu quả, có cái khó ló cái khôn, nhưng cũng có nhiều cái không được như kì vọng”.

Chính vì thế, “thích ứng với hoàn cảnh là thể hiện phản - xạ - sống của mỗi người. Đời sống hiện đại càng ngày càng đòi hỏi sự thích ứng cao của con người. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu các nước phát triển luôn quan tâm giáo dục kĩ năng sống cho trẻ em. Cách anh thích ứng với hoàn cảnh hôm nay như thế nào sẽ phản ảnh con người anh trong tương lai ra sao”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Văn Thành Lê (TP HCM): Chấp nhận và thích ứng hoàn cảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO