Nhận diện chiêu trò gian lận hoàn thuế

Thúy Hằng 31/10/2022 14:00

Lập công ty “ma” để bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa đầu vào của doanh nghiệp mua hóa đơn là một trong những thủ đoạn phổ biến nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ góp phần hạn chế tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng.

Lập công ty “ma” để trục lợi

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án “mua bán trái phép hóa đơn" liên quan đến hai đường dây với nhiều đối tượng. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn là mua lại các pháp nhân với giá 19-25 triệu đồng/doanh nghiệp (DN), sử dụng căn cước công dân và chứng minh nhân dân của người khác để đứng tên giám đốc, giả chữ ký giám đốc nhằm quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty, hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và biến các pháp nhân này thành công ty “ma”. Các bị cáo trực tiếp hoặc thông qua môi giới để liên hệ, trao đổi với cá nhân có nhu cầu mua hóa đơn GTGT. Sau khi thống nhất nội dung ghi trên hóa đơn, giá, hình thức thanh toán, giao, nhận, hóa đơn được ký, đóng dấu và chuyển lại người mua… Các bị cáo đã sử dụng gần 20 công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn với giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Thuế cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thuế thực hiện được 4.646 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 29.643,8 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 414,3 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 321,9 tỷ đồng, phạt là 92,4 tỷ đồng).

Có khá nhiều thủ đoạn, mánh khóe gian lận hoàn thuế GTGT đã bị cơ quan chức năng vạch trần trong thời gian qua, tiêu biểu là các hành vi: Giả mạo hồ sơ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống; quay vòng hàng hóa để xuất khẩu nhiều lần đối với một lô hàng; thành lập DN “ma” chỉ để bán hóa đơn cho DN khác nhằm hợp thức hóa đầu vào của DN mua hóa đơn (bán khống hóa đơn không có hàng hóa, dịch vụ) hay thành lập các DN “ma” chỉ để cấp hóa đơn đầu vào hợp thức hóa cho một DN bán hàng hóa nhập lậu…

Vào năm 2021, vụ án Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) trục lợi hàng trăm tỷ đồng hoàn thuế GTGT từ việc xuất khẩu linh kiện điện tử đã được cơ quan công an điều tra từng làm rúng động dư luận về hành vi, thủ đoạn chiếm tiền thuế với quy mô lớn của nhiều DN. Các hóa đơn đầu vào mà Thuduc House khai khấu trừ để nhận tiền hoàn thuế GTGT toàn là ảo, nhằm giúp cho Thuduc House hưởng lợi 0,6% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu.

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, để khuyến khích các DN phát triển và tạo sự bình đẳng giữa các DN, chính sách về quản lý thuế trao cho người nộp thuế quyền tự khai, tự nộp, tự đăng ký, phát hành, sử dụng hóa đơn GTGT... Đây là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận không nhỏ tổ chức, DN và cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm về hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước.

Qua quá trình quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra hoàn thuế, Tổng cục Thuế nhận thấy, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các DN trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho DN F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các DN trung gian không khớp đúng, DN bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng DN mua (F1) kê khai khấu trừ lớn; việc thanh toán qua ngân hàng được cục Thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên, việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.

Ngoài ra, có trường hợp DN hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.

Cũng có trường hợp DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh (từ 1/7/2022 trở về trước).

Vụ trưởng Vụ Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cũng nói thêm, có tình trạng các DN kinh doanh mặt hàng nông sản, thu mua nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh trong nước rồi xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới. Khi cơ quan thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn với cơ quan thuế nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì cơ quan thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và DN mua hàng nhập khẩu cần xác minh phía bên nước ngoài...

Đặc biệt chú ý nhóm hàng rủi ro cao

Giới chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn việc gian lận hoàn thuế GTGT, cơ quan Thuế cần giám sát chặt chẽ công tác quản lý hoàn thuế, đặc biệt là đối với một số nhóm mặt hàng có rủi ro cao, qua đó thu thập thông tin và tổng hợp các dấu hiệu rủi ro phát sinh trong hoàn thuế GTGT. Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng hỗ trợ theo dõi kết quả xác minh hóa đơn tại cơ quan thuế (cho phép cơ quan thuế thực hiện gửi và trả lời phiếu yêu cầu xác minh hóa đơn trong toàn ngành); đẩy nhanh thời gian xác minh và tập trung thông tin làm cơ sở xác minh nguồn gốc hàng hóa.

Riêng đối với công tác phối hợp, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, như Ngân hàng, Hải quan, Công an, chính quyền địa phương, cơ quan Thuế nước bạn... để thực hiện các biện pháp kiểm tra xác minh các giao dịch phát sinh trên hồ sơ hoàn thuế.

Lãnh đạo Vụ Thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế) cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong công tác trao đổi thông tin, dữ liệu về thuế, hải quan theo Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 2413/QĐ-TCT theo hướng điện tử hóa tối đa các bước trao đổi thông tin, dữ liệu. Đồng thời sẽ hỗ trợ xác minh hoạt động xuất khẩu của DN hoàn thuế và cung cấp danh sách các DN có mặt hàng xuất khẩu rủi ro cao để rà soát và kiểm tra chặt chẽ trong quá trình kiểm tra hồ sơ hoàn thuế.... Tiếp tục xây dựng và nâng cấp hệ thống tra cứu tờ khai hải quan làm cơ sở đối chiếu, xác minh tờ khai hải quan, xác minh hồ sơ hoàn thuế.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mục đích của một số đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của DN, đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế GTGT, giảm đóng thuế thu nhập DN. Các hành vi này không những gây thất thu ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm uy tín của các cơ quan và DN chân chính, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Tuy nhiên chúng ta kỳ vọng rằng khi áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc sẽ góp phần hạn chế tình trạng trên. Song, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra để chống gian lận hoàn thuế GTGT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện chiêu trò gian lận hoàn thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO