Nhân lực ngành khí tượng thủy văn: Chưa đáp ứng nhu cầu

Thu Hương (thực hiện) 29/08/2016 06:25

Chất lượng tuyển sinh vào khối ngành Khí tượng khí hậu trong những năm gần đây có thể nói là rất thấp, với điểm đầu vào chủ yếu là 15-16 điểm. Đó là chia sẻ của PGS TS Nguyễn Viết Lành - Trưởng khoa Khí tượng, Thủy văn ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Nhân lực ngành khí tượng thủy văn: Chưa đáp ứng nhu cầu

PGS TS Nguyễn Viết Lành.

PV: Cách đây 3 ngày, Đại học TN&MT Hà Nội được cấp phép đào tạo chuyên ngành trình độ Thạc sĩ về Khí tượng và khí hậu học. Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về kế hoạch tuyển sinh, chương trình đào tạo có gì khác biệt so với các trường, đơn vị khác đang thực hiện?

PGS TS Nguyễn Viết Lành: Chương trình đào tạo của Nhà trường có mục tiêu là đào tạo kỹ sư, thạc sĩ theo hướngkhoa học ứng dụng, thực hành chứ không theo hướng khoa học cơ bản như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trường đã đăng tuyển sinh trên website của Trường về việc tuyển sinh cao học Khí tượng và Khí hậu học cùng với 4 ngành khác với chỉ tiêu tổng cộng là 75 học viên. Ngày thi tuyển là 26, 27 tháng 11 năm 2016.

Hiện nay ngoài đội ngũ giảng viên trực tiếp trong Khoa và các Khoa khác của Trường (Biến đổi khí hậu, Tài nguyên nước, Khoa học biển) chúng tôi còn nhận được sự cộng tác giảng dạy và nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Quân chủng Phòng không Không quân, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam,…

Điểm trúng tuyển vào khối ngành Khí tượng và khí hậu học bậc ĐH những năm gần đây của trường ra sao, thưa ông?

- Chất lượng tuyển sinh vào khối ngành Khí tượng khí hậu trong những năm gần đây có thể nói là còn thấp hơn mong muốn của các trường, không riêng gì trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với điểm đầu vào chủ yếu là 15-16 điểm. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đảm bảo được chất lượng đầu ra, nhất là đào tạo theo hướng thực hành.

Ông đánh giá thế nào về nhân lực đang có của ngành khí tượng thủy văn?

Theo tôi được biết, hiện nay ngành Khí tượng Thủy văn (thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) có hơn 3.000 cán bộ, viên chức và người lao động. Với lực lượng này, có thể nói là cơ bản đáp ứng được yêu cầu hiện tại của công việc, nhưng nếu yêu cầu về chất lượng và số lượng bản tin dự báo thì cần được tăng thêm.

Về chất lượng thì hiện nay ngành vẫn còn một số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, hoặc có trình độ thấp so với yêu cầu nên cần được đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ. Ví như vẫn còn những quan trắc viên có trình độ sơ cấp, dự báo viên có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng.

Chỉ có 2% dự báo viên, kiểm soát viên có trình độ thạc sĩ. Về cơ bản thì vẫn đáp ứng được nhu cầu của Ngành nhưng theo tôi cần tích cực hơn nữa công tác đào tạo nâng cao trình độ và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Có ý kiến băn khoăn liệu có phải cứ cử cán bộ đi học thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao hơn? Bởi đây là ngành đặc thù mà nếu chỉ học mà không hành, hoặc học giỏi chưa chắc hành đã giỏi?

- Đi học một cách nghiêm túc và có đầu tư thời gian, công sức chắc chắn sẽ nâng cao trình độ. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao thì không có lý do gì mà không nâng cao chất lượng công việc. Việc học mà không hành thì chắc chắn sẽ khó có thể đat được hiệu quả như mong muốn, nhưng chúng tôi thì không như vậy.

Hiện nay, chương trình đại học chúng tôi dành đến 14 tuần cho thực hành, thực tập tại các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều tháng thực hành tại các phòng thực hành, thí nghiệm của Trường trong suốt hời gian học. Ngay cả chương trình đào tạo thạc sĩ chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho thực hành, thực tập nên khi đó học giỏi thì hành sẽ không thể kém.

Thu thập số liệu về các hiện tượng thời tiết để làm thành bản tin dự báo đưa tới người dân là công việc thầm lặng lại dễ bị xã hội có ý kiến nếu thực tế không diễn ra hoàn toàn như dự đoán, trong khi thiên nhiên là điều không nói trước được. Đây có phải là cái khó nhất của người làm công tác dự báo không theo ông?

- Việc thu thập (bên ngành gọi là quan trắc) số liệu là một công việc vô cùng vất vả mỗi khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, bão, ….tôi chỉ mong nếu có ai đó chưa tin ngành này vất vả, nguy hiểm thì hãy một lần đến với quan trắc viên trong một ngày (kể cả thời tiết bình thường) xem họ phải làm như thế nào chứ chưa nói đến như bão, tố, dông, lốc.

Việc thu thập số liệu đã khó khăn vất vả, việc đưa ra bản tin dự báo còn khó khăn hơn nhiều. Thực tế, có những ngày dự báo đúng không khó nhưng có những ngày xác suất 50-50 lại không hiếm. Những ngày đó cũng phải đưa tin chứ không dừng được.

Như đã biết, bác sĩ chẩn đoán bệnh họ có đủ xét nghiệm, máy móc đo từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong và lại còn hỏi được bệnh nhân, độ chính xác cũng chỉ trên dưới 80%. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có máy đo (trạm khí tượng) thưa thớt nên để lọt mất nhiều hiện tượng khí tượng là điều đáng tiếc nhưng khó tránh khỏi.

Thực tế các cơn bão vừa qua cho thấy, bên cạnh năng lực dự báo thì công nghệ dự báo cũng đang là vấn đề chúng ta chưa đáp ứng được, thưa ông?

- Những cơn bão vừa qua chúng ta đã dự báo không sai, thậm chí còn tốt hơn một số trung tâm khí tượng khu vực và quốc tế, nhưng rõ ràng công nghệ của ngành KTTV hiện nay thì quá lạc hậu so với các nước trong khu vực. So với các nước phát triển thì càng không thể bằng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực ngành khí tượng thủy văn: Chưa đáp ứng nhu cầu