Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là giải pháp căn cơ để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đồng thời cân bằng lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn nhân lực.
Thiếu bền vững
Quý I/2025, ngành chăn nuôi chứng kiến nhiều biến động khi mà giá lợn hơi tăng bất thường, không theo quy luật so với mọi năm. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố. Cuối năm 2024, dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho đàn lợn nái, làm giảm nguồn cung lợn thương phẩm. Tiếp đến trong quý I/2025, cả nước ghi nhận 75 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 21 tỉnh, thành phố, bên cạnh nguy cơ từ các bệnh như lở mồm long móng. Những đợt dịch này không chỉ làm giảm đàn vật nuôi mà còn khiến người chăn nuôi e dè trong việc tái đàn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung - cầu thị trường.
Trước biến động cung - cầu và áp lực môi trường, việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh được xem là giải pháp chiến lược. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh không chỉ giúp ổn định nguồn cung thực phẩm mà còn tạo động lực mới cho ngành chăn nuôi, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2025. Đây cũng là cách để Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước những biến động giá cả khó lường. Hơn nữa, mô hình này còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Cần bổ sung nguồn nhân lực số lượng lớn
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, việc hình thành các vùng an toàn dịch bệnh là cần thiết. Các vùng an toàn dịch bệnh cần áp dụng các quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, quản lý chuồng trại đến xử lý chất thải nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Để làm được điều này yếu tố nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo số liệu thống kê và phân tích nhu cầu lao động của Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến hết năm 2024, Việt Nam thiếu hơn 3 triệu nhân lực qua đào tạo trong nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, bao gồm ngành thú y. Hiện, số trường đào tạo và lượng sinh viên ra trường hằng năm của nhóm ngành này không nhiều, chưa kể chất lượng nhân lực chưa thực sự tốt.
Ông Nguyễn Đình Đảng – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Hà Nội cho biết, ngành chăn nuôi vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm cho hơn 10 triệu dân của thành phố và đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung.
Theo ông Đảng, hệ thống thú y cấp xã có vai trò rất quan trọng, họ là lực lượng bám sát địa bàn, nắm bắt diễn biến dịch bệnh chính xác nhất, nhanh nhất giúp cơ quan quản lý thú y cấp trên triển khai nhanh chóng các biện pháp khi có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, cán bộ thú y còn tham gia vào công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật...
Tuy nhiên, lực lượng này đang rất mỏng, hiện tại việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức tại các địa phương đang diễn ra mạnh mẽ do đó, cần nghiên cứu thêm chính sách cụ thể cho lực lượng này.
Tương tự, tại Đồng Nai, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, cơ cấu chăn nuôi chiếm trên 61% trong sản xuất nông nghiệp nhưng ngành chăn nuôi của Đồng Nai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, khai báo tổng đàn, kiểm soát ra vào, di dời các trang trại chăn nuôi…
"Lực lượng cán bộ thú y cơ sở bị quá tải, không thể bao quát hết. Sắp tới, tiến hành sáp nhập cấp xã, tỉnh và bỏ cấp huyện thì hệ thống cán bộ thú y cần phải có phương án tổ chức lại cho phù hợp, hiệu quả, từ đó, đảm bảo tốt công tác quản lý cũng như phòng chống dịch bệnh" - ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai đề xuất.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển cả về quy mô và tính chuyên môn hóa, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần chuyển sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp, trang trại cũng như hệ thống quản lý nhà nước có nhu cầu nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y rất lớn. Chính vì vậy, cần có những chính sách để khuyến khích thu hút sinh viên theo học ngành thú y đồng thời có những cơ chế, chính sách phù hợp cho những cán bộ thú y cơ sở.