Nhiều dư địa để ngành gạo bứt phá

Lê Bảo 11/02/2023 16:55

Phản ánh từ các doanh nghiệp cho biết, bước sang tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Điều này cho thấy vị thế, chất lượng và cách tiếp cận thị trường của ngành gạo nước nhà ngày càng được cải thiện.

Năm 2023 dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng.

Nhiều tín hiệu vui

Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở mức 473 USD/tấn, gạo 25% tấm là 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức giá này hiện vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 20 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn. Trước đó, vào tháng 12/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất thế giới với khoảng 438 USD/tấn; gạo 25% ở mức 418 USD/tấn - cao hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng 1/2023, với mức tăng tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng chủng loại lúa.

Cụ thể, tại An Giang, lúa thường IR50404 ở mức 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 12/2022; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg, ổn định so với tháng trước. Tại Kiên Giang, lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg, từ 7.000 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 tăng 300 đồng/kg, từ 7.200 đồng/kg lên 7.500 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Đông Xuân sớm tăng mạnh từ 6.300 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg...

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm nay tăng cao do những bất ổn về kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết. Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Philippines, châu Phi… đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Riêng Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), giá gạo hiện tại đang cao nhất trong vòng 2 năm qua và có thể vượt đỉnh năm 2019. Nguyên nhân là nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới đang tăng vì sản xuất của họ mất mùa.

Nhiều dư địa để ngành gạo bứt phá

Với những dư địa tốt về nguyên liệu cũng như những thuận lợi của thị trường, theo dự đoán của giới chuyên gia trong ngành, cuối quý I/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang chịu sức ép về giá khi đồng Baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài.

Đưa ra dự đoán về thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, năm 2023 cùng với nền tảng là giá tốt thì xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều triển vọng do các thị trường có nhu cầu cao. Cụ thể, thị trường Trung Quốc gần đây thông báo sẽ mở cửa trở lại được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Như vậy, năm 2023 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn.

“Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, giảm hơn so với năm 2022 vì lượng hàng năm cũ hầu như đã xuất khẩu hết, không còn chuyển giao cho năm mới như trước đây nhưng kỳ vọng giá trị thu về vẫn vượt 3 tỷ USD” - ông Nam dự báo.

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là rất lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao, sẽ mở ra nhiều cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa. Nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, biến vùng sản xuất thành vùng đầu tư, phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Vùng nguyên liệu này với mục tiêu đa giá trị và tăng trưởng xanh, được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.

Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, hiện có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Cụ thể hóa đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sẽ là cơ sở để ngành lúa gạo tiếp tục thay đổi vị thế và giá trị trong năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều thuận lợi từ đầu năm tới nay khi khách hàng truyền thống là Philippines tăng nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển dịch từ nhập khẩu lượng gạo nhỏ trong những tháng đầu năm sang những đơn hàng lớn. Gạo Việt đã thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước thuộc khối Ả Rập. Trong đó, điển hình là gạo thơm ST24, ST25 được xuất khẩu sang nhiều nước, với giá cao hơn gấp 2 lần gạo trắng thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều dư địa để ngành gạo bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO