Nhiều giải pháp đưa Hà Nội bứt phá trong các nhiệm kỳ kế tiếp

Mai Loan 20/08/2020 15:43

Bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xem xét, thảo luận tại Hội nghị lần thứ 25 diễn ra ngày 20/8 là phiên bản lần thứ năm (còn gọi là phiên bản 5.0).

Đây là phiên bản có một số thay đổi quan trọng, trong đó nổi bật nhất là thành phố lấy “gương mẫu” làm đầu và nâng mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đến năm 2025 lên mức cao mới.

Điểm nổi bật của Dự thảo Báo cáo chính trị lần này là chủ đề đã được tinh chỉnh. Thành tố “gương mẫu” đã được đưa lên vị trí đầu tiên. Tinh thần đổi mới, tính chất hiệu triệu được thể hiện rõ nét hơn. Chủ đề đại hội là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Quang cảnh hội nghị.

GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt đến 8.500 USD

Trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc, tham khảo các ý kiến, Tiểu ban Văn kiện đã biên tập lại và đề xuất mục tiêu tổng quát của Dự thảo Báo cáo chính trị khác với phiên bản trước. Cụ thể, mục tiêu tổng quát là:

Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300 USD đến 8.500 USD.

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 USD đến 13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt hơn 36.000 USD.

Thay đổi đáng kể nhất trong mục tiêu tổng quát nêu trên là về chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025. Theo gợi ý của Thủ tướng Chính phủ và Ban Cán sự đảng Chính phủ, Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê tính toán lại. Kết quả là điều chỉnh mục tiêu phấn đấu, từ đạt mức 8.100 USD đến 8.300 USD/người/năm trong Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ ba, lần thứ tư lên mức cao hơn là từ 8.300 USD đến 8.500 USD/người/năm vào năm 2025. Đây là mục tiêu thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ thành phố nhằm nâng cao đời sống nhân dân, lấy đây là đích đến quan trọng hàng đầu của mọi chủ trương, quyết sách.

Dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ năm có 20 chỉ tiêu đến năm 2025, chia thành 4 nhóm: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch - đô thị - nông thôn - môi trường và xây dựng Đảng. Thành phố xác định chỉ tiêu “Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025” đạt từ 7,5% đến 8%; trong đó, dịch vụ tăng 8% đến 8,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,5% đến 9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5% đến 3%. Cơ cấu kinh tế năm 2025 là dịch vụ chiếm từ 65% đến 65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm từ 22,5% đến 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 1,4% đến 1,6%. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 3,1 triệu tỷ đồng đến 3,2 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, thành phố đặt chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 7% đến 7,5%.

Về văn hóa - xã hội, Dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra 5 chỉ tiêu, nổi bật là chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân đạt từ 30 đến 35; số bác sĩ/vạn dân là 15. Thành phố tiếp tục duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố đến cuối nhiệm kỳ ở mức dưới 0,5%.

Ngoài ra, thành phố phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố với 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60% đến 62%; hoàn thành 100% các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đều đạt 100%. 100% cụm công nghiệp (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.

Hà Nội phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 có số lượng đảng viên mới được kết nạp hằng năm đạt từ 9.000 đến 10.000 đảng viên. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm và tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều đạt hơn 75%.

Dự thảo Báo cáo chính trị còn bao gồm 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, thành phố xác định ưu tiên hàng đầu là tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Thủ đô trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tạo bước đột phá từ hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Đề xuất thêm một chương trình công tác lớn của Thành ủy

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, 100% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, các tổ chức cơ sở Đảng và các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Thành công của đại hội đảng bộ các cấp là tiền đề quan trọng để thành phố hướng tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Không chỉ hoàn thành toàn bộ các nội dung, chương trình đề ra, đổi mới tích cực và mạnh mẽ về văn kiện và nhân sự cấp ủy khóa mới, đại hội đảng bộ các cấp của Đảng bộ thành phố thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả đại hội đã tạo ra khí thế mới trong các cấp, các ngành, động viên, khích lệ tinh thần thi đua xây dựng và phát triển trong Đảng và trong nhân dân.

Gợi ý một số nội dung cần tập trung thảo luận, trong đó, với dự thảo Chương trình hành động, Bí thư Thành ủy cho biết, về cơ bản, Ban Thường vụ Thành ủy thấy cần thiết tiếp tục duy trì 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng với nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021-2025, đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Đồng thời, Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất bổ sung một chương trình công tác về “Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận trong nhiệm kỳ, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

“Chúng ta đã có một chương trình về xây dựng nông thôn mới. Với chương trình mới này, Hà Nội sẽ “đi bằng hai chân” để phát triển đồng đều hơn”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại hội nghị lần này, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, dự kiến vào ngày 19/9/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều giải pháp đưa Hà Nội bứt phá trong các nhiệm kỳ kế tiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO