Nhiều hàng quán đóng cửa, bán online

Đoàn Xá 26/03/2020 06:44

Ngày 25/3, ngay sau khi chính quyền TP HCM có chỉ thị cấm tất cả các cửa hàng, quán nhậu, tiệm hớt tóc… kinh doanh có tụ tập trên 30 người, hầu hết các cơ sở trên địa bàn đều nghiêm chỉnh thực hiện. Nhiều cửa hàng quyết định chuyển qua bán online, thông báo sẽ giao tận nhà miễn phí để duy trì hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Nhiều hàng quán đóng cửa, bán online

Quán ăn, nhà hàng ở TP HCM thông báo đóng cửa.

Than khó nhưng vẫn chấp hành

Anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhà hàng kinh doanh bê thui ở phường Tân Hưng Thuận (quận 12) chia sẻ: “Chiều qua (ngày 24/3), khi nghe tin trên báo về việc tạm dừng kinh doanh các dịch vụ ăn uống, tôi khá bất ngờ vì hàng hóa đã nhập về bán rất nhiều. Tuy nhiên, vì an toàn của gia đình, nhân viên và cộng đồng nên tôi ủng hộ quyết định của lãnh đạo thành phố. Nhà hàng đã thực hiện việc đóng cửa nhưng bên ngoài cổng có ghi số điện thoại, thông tin các món ăn thực đơn kèm lời nhắn sẽ giao hàng tận nơi cho khách có yêu cầu”.

Không chỉ có nhà hàng của anh Thành, ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều nhà hàng, quán ăn đã thông báo sẽ bán tận nhà cho khách có nhu cầu. Một chủ nhà hàng (xin giấu tên) chia sẻ: “Nhà hàng tôi bình thường phục vụ 80 bàn cùng gần 10 phòng VIP máy lạnh. Nguồn hải sản đều là hàng tươi sống như tôm hùm, cua đỏ… trị giá lên đến 5, 6 trăm triệu đồng. Giờ phải đóng cửa thiệt hại sẽ là rất lớn. Tuy nhiên, tôi ủng hộ quyết định dừng kinh doanh của thành phố. Chỉ lo hơn 30 nhân viên sẽ rất khó khăn vì phải nghỉ không lương”.

Trong ngày 25/3, hầu hết nhà hàng, quán nhậu, phòng tập thể hình (gym), tiệm hớt tóc… trên địa bàn TP HCM đã đóng cửa. Một số quán kinh doanh cà phê, dù không nằm trong danh mục bị buộc phải ngưng kinh doanh nhưng cũng ghi biển xin lỗi không phục vụ. Một số khu vực như đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đi qua nhiều quận trung tâm cũng rất im ắng. Đây được coi là “con đường ăn nhậu” của TP HCM lúc bình thường. Những tuyến đường khác tập trung đông đúc các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống là đường Phạm Văn Đồng, đường Song Hành, khu Bàu Cát, khu Tên Lửa, khu K300… nằm rải rác ở các quận, huyện cũng rất vắng vẻ.

Nhiều hoạt động vẫn diễn ra bình thường

Việc tạm ngưng các dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đời sống của người dân TP HCM. Tại các khu chợ truyền thống ở địa bàn TP HCM, chúng tôi ghi nhận các hoạt động mua bán vẫn diễn khá bình thường và nhộn nhịp. Các nhu yếu phẩm hàng ngày vẫn được bày bán đầy đủ. Thậm chí giá các loại thực phẩm còn không tăng do nhu cầu người dân giảm vì được khuyến cáo ở nhà.

Chủ một siêu thị mini trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) cho biết việc kinh doanh mấy ngày gần đây diễn ra khá bình thường, dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Người dân vẫn tới siêu thị mua hàng nhưng không thấy tình trạng mua ồ ạt. Nhiều mặt hàng như gạo, mì, thịt, cá… vẫn không tăng giá và khá dồi dào.

Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều người dân, tình hình dịch Covid-19 ở địa bàn TP HCM đang diễn biến khá phức tạp. Trong đó, có một số ca nhiễm được phát hiện muộn, đã di chuyển và tiếp xúc với nhiều người tại địa điểm công cộng trước khi được cách ly và chữa trị. Vì vậy, việc tạm ngưng kinh doanh các dịch vụ này là hoàn toàn hợp lý.

“Thực ra các hoạt động kinh doanh nhà hàng, karaoke, tiệm tóc… không phải là dịch vụ thiết yếu. Nếu không sử dụng các dịch vụ này trong thời gian 1 tuần mà tránh được dịch bệnh thì nhiều người cảm thấy rất an tâm và ủng hộ”, anh Tùng, chủ một doanh nghiệp nhôm nhựa trên địa bàn quận Phú Nhuận cho biết.

Theo một chuyên gia kinh tế, trong số các dịch vụ kinh doanh buộc phải tạm dừng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như karaoke, nhà hàng, quán ăn, phòng gym, tiệm hớt tóc… thì các cửa hàng kinh doanh ăn uống chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều nằm ở vị trí mặt tiền, diện tích rộng nên tiền thuê mặt bằng rất lớn, có khi chiếm tới 50% chi phí. Việc không kinh doanh nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả là gánh nặng lớn cho các dịch vụ này. Đó là chưa kể tiền lương nhân viên, tiền điện, nước hay tiền thực phẩm… Ngoài ra, kinh doanh dịch vụ hàng ăn còn kéo theo nhiều dịch vụ khác”, chuyên gia này cho biết.

Đề xuất dừng vận tải hành khách công cộng khu nội thành

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, ngày 25/3, Giám đốc Sở Y tế TP HCM vừa có đề xuất tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng trong khu vực nội thành. Các phương tiện bị đề nghị gồm xe buýt, xe đưa rước công nhân, xe khách, buýt đường sông, phà… Tuy nhiên, Sở GTVT - đơn vị quản lý các hoạt động này cho biết, trước mắt sẽ chưa tạm dừng nhưng chỉ cho phép các phương tiện này hoạt động với điều kiện chuyên chở dưới 20 hành khách/chuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hàng quán đóng cửa, bán online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO