Những bí ẩn thế kỷ của giải thưởng Nobel

Linh Chi 08/10/2017 07:00

Nhắc đến giải thưởng Nobel, chúng ta thường nghĩ tới hình ảnh những nhân vật xuất chúng của thế giới. Dù giải thưởng này được tôn vinh trên khắp thế giới, nhưng sự chỉ trích nhằm vào nó cũng gia tăng trong suốt 116 năm truyền thống trao giải, phần lớn là do sự bí ẩn trong quá trình lựa chọn người thắng cuộc.

Với mục đích công nhận các nhà khoa học, các nhà nghệ thuật và các nhà ngoại giao đã làm việc không ngừng nghỉ với nỗ lực cải thiện cuộc sống của toàn thể nhân loại, một giải thưởng tầm cỡ thế giới đã được thành lập vào năm 1895 lấy tên của nhà khoa học sáng chế kiêm doanh nhân người Thụy Điển Alfred Nobel.

Dù Nobel mang đầy đủ lý do căn bản để đề ra mỗi hạng mục của giải thưởng này, nhưng trên thực tế ông đặc biệt quan tâm tới ngành Vật lý, Hóa học, Y tế và Văn học - 4 trong tổng số 5 hạng mục trao giải chính được Hội đồng trao giải Nobel duy trì đến ngày nay.

Hạng mục thứ 5, giải Nobel Hòa bình, được cho là đã được khởi xướng từ mối quan hệ hết sức thân thiết giữa ông và một nhà vận động hòa bình người Áo có tên Bertha von Suttner. Giải thưởng thứ 6, Nobel Kinh tế, được thành lập bởi Ngân hàng Quốc gia Thụy Điển vào năm 1968 và vẫn lấy cảm hứng từ cái tên Nobel.

Quá trình chọn lựa tuyệt mật
Các Ủy ban chịu trách nhiệm lựa chọn những người giành giải thưởng danh giá này hàng năm đều làm việc dưới những quy định hết sức nghiêm ngặt, nhưng được giấu kín và theo truyền thống thì tiến trình này sẽ không bao giờ được công khai. - Gustav Kallstrand, người phụ trách Bảo tàng Nobel tại Stockholm và là một chuyên gia về lịch sử giải Nobel, cho hay.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chi tiết về tiến trình lựa chọn người giành giải hàng năm sẽ chỉ được giữ bí mật trong vòng 50 năm. Sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chính thức của giải Nobel đã tạo nên nhiều tình huống trớ trêu trong suốt nhiều năm liền. Ví dụ như, dù các quy định yêu cầu Tổ chức Nobel chỉ được trao giải thưởng cho các ứng viên còn sống, nhưng nhà nghiên cứu miễn dịch học người Canada Ralph M. Steinman vẫn được trao giải thưởng này vào năm 2011 sau khi đã qua đời.

Ủy ban ra quyết định lựa chọn người thắng giải đã biết rằng Steinman qua đời vì ung thư tuyến tụy, nhưng do các diễn biến đằng sau tiến trình lựa chọn cần phải được giữ kín, nên hội đồng này vẫn cứ tiếp tục liên hệ với nhà khoa học này để tìm hiểu tình hình hiện tại của ông.

Thời điểm bấy giờ, giải thưởng trên được công bố vào hôm thứ Ba, nhưng ông Steinman đã qua đời từ trước đó 3 ngày. Nhưng do nhà khoa học này vẫn còn sống khi giải thưởng giành cho ông đã được quyết định, nên cuối cùng chủ nhân của giải thưởng vẫn được giữ nguyên.

Đức quốc xã và giải Nobel
Ngoài ra, thời kỳ Đức Quốc xã cũng gây ra một số vấn đề cho giải thưởng Nobel, thậm chí còn có cả đề cử giải Nobel Hòa bình cho trùm phát xít Adolf Hitler.
Năm 1939, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain được đề cử nhận huy chương Hòa bình nhờ vai trò trong việc đàm phán Thỏa thuận Munich, trong đó chấp nhận nhượng lại một phần của Czechoslovakia cho Đức.

Để phản đối, 12 thành viên của Quốc hội Thụy Điển đã đặt Hitler vào danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình, cho rằng nếu Thủ tướng Chamberlain được đề cử vì thuyết phục Hitler từ bỏ một cuộc chiến, thì Hitler cũng nên được đề cử vì không khởi động một cuộc chiến. “Phần lớn người dân lúc đó không hiểu được sự mỉa mai của ủy ban Nobel” - Kallstrand nói thêm rằng đề cử đó cuối cùng đã bị thu lại.

Cuộc chiến cuối cùng vẫn bùng nổ và Hitler đã ép 3 nhà khoa học Đức lúc bấy giờ phải từ chối nhận giải thưởng Nobel trong Thế chiến II. Nhưng cuối cùng thì cả 3 nhà khoa học Đức gồm Richard Kuhn, Adolf Butenandt và Gerhard Domagk vẫn nhận được Huy chương và bằng khen, nhưng khoản tiền thưởng thì phải chờ đến 1 năm sau.

Nhà khoa học Domagk còn gửi một bức điện tín tới Ủy ban Nobel để cảm ơn họ vì đã công nhận thành tựu của ông, nhưng sau khi bị lực lượng cảnh sát bí mật Đức bắt giữ và bỏ tù suốt 1 tuần liền, ông bị ép phải gửi đi một bức điện tín thứ hai để từ chối nhận giải thưởng này.

Một số nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel vào thời kỳ chiến tranh này còn cảm thấy không an toàn. Do lúc bấy giờ mang vàng ra khỏi nước Đức được xem là một tội, nên việc Huy chương của các nhà vật lý học Max von Laue và James Frank - có tên họ được in trên mặt huân chương - được họ gửi cho một người bạn lưu trữ tại phòng thí nghiệm ở Copenhagen là một điều sai trái.

Khi quân đội Đức diễu hành trên đường phố Copenhagen, nhà Hóa học George de Hevesy, người bạn của hai nhà khoa học nói trên, đã phải giấu những tấm huy chương trong dung dịch nước cường, một chất axít đủ mạnh để phân hủy vàng.

Đúng như dự tính từ đầu, khi quân phát xít đến, chúng lật tung cả phòng thí nghiệm, tìm trong từng căn phòng, từng chiếc tủ. Nhưng lạ kỳ thay lại không tìm thấy bất cứ thứ gì như tin tình báo. Hevesy bị ép buộc phải tới Stockholm vào năm 1943, sau này khi trở lại đây, 2 chiếc cốc thủy tinh chứa dung dịch nước cường vẫn nằm nguyên vẹn trên kệ trong phòng thí nghiệm.

Hevesy buộc phải phải tách vàng từ 2 dung dịch trên để trả lại cho chủ nhân của chúng. Tháng 1-1950, ông gửi lại nguyên vẹn số vàng thô tách được cho Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển và chúng được đúc lại, giao tận tay cho 2 nhà khoa học Laue và Franck vào năm 1952.

Lễ hội đình đám
Trong quá khứ, từng có nhiều lần mà Ủy ban trao giải Nobel phải cất công đi thuyết phục chính quyền một số nước không hợp tác cho phép các nhà khoa học của họ đến Thụy Điển nhận giải thưởng.

“Một khi quyết định trao giải thưởng cho ai đó được đưa ra, nó sẽ không thể bị rút lại” - ông Kallstrand nói. Bởi vậy khi ủy ban trao giải gọi cho bạn, không phải họ đang đề nghị trao giải mà họ chỉ nói với bạn rằng, bạn là người giành giải. Ngay cả khi bạn nói không, cũng không thay đổi được. Đó chính là trường hợp của Jean-Paul Sartre, người đã từ chối nhận giải thưởng Nobel Văn học năm 1964.

Tuần đầu tiên của tháng 10, khi những người thắng giải được công bố tại Thụy Điển, sẽ mở đầu cho một mùa giải bận rộn và kết thúc với một bữa tiệc hoành tráng tại Tòa thị chính Stockholm vào ngày 10-12. Sự kiện này kéo dài 4,5 giờ và được truyền hình trực tiếp đến khoảng 2 triệu người xem.

Điều thú vị là, hầu hết những người này đều sẽ vận trang phục trang trọng, vừa ăn tối tại gia vừa xem TV để… theo dõi những diễn biến từ Tòa thị chính. Ngay sau Giáng sinh, các ủy ban Nobel sẽ quay trở lại làm việc. Từ 2.000 đến 3.000 đề cử, họ sẽ phải chọn ra những cái tên xứng đáng nhất để đi vào lịch sử và trở thành những người giành Nobel tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bí ẩn thế kỷ của giải thưởng Nobel

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO