Những ngôi làng trên núi

Mỹ Hiền (Tổng hợp) 01/05/2017 15:06

Dù tới nay cuộc sống đã nhiều đổi khác, những thành phố mọc lên ngày một nhiều nhưng vẫn còn đó những ngôi làng trên núi. Ở đó, người dân vẫn giữ lại nhiều tập tục cổ xưa, kể cả việc canh tác, chăn thả.

Làng Shirakawa-go (Nhật Bản).

Ròng rọc của người dân vùng Jafariya

Cho đến hôm nay, phụ nữ trong những ngôi làng trên núi ở huyện Jafariya, tỉnh Raymah, đất nước Yemen vẫn dùng cối xay đá để làm bột mì. Những chiếc cối xay nặng nề, chậm rãi quay nhờ sức của con người. Phụ nữ trong làng không đánh đổi những chiếc cối xay đá cổ xưa đó lấy những phương tiện khác được cho là văn minh, nhẹ nhàng, tiện lợi hơn.

Do địa hình khó khăn nên người dân sống trong làng trên núi này thường phải mất nhiều công sức để mang hàng hóa mua ngoài chợ về nhà. Họ đi bộ, cõng hàng một cách nhẫn nại. Những con lừa giúp họ khá nhiều nhưng vẫn không thể thay thế tất cả. Để dễ vận chuyển, người làng còn chế tạo ra những chiếc ròng rọc bắc ngang núi.

“Những chiếc ròng rọc đã giúp người Jafariya vận chuyển hàng từ nơi này sang nơi khác. Nhưng đặc biệt hơn, những người đàn ông can đảm còn dùng chúng để đu bám tới những nơi có những tổ ong bám trên sườn núi”- Franco Money, một nhà thám hiểm gốc Italy nói. Ông đã từng theo chân những người đàn ông Jafariya đi lấy mật ong.

Đường vào làng vùng Jafariya.

Chứng kiến họ đu mình trên những chiếc ròng rọc, F.Monei đã ví họ như những nghệ sĩ xiếc tài ba. Trong một ghi chép điền dã, F.Monei mô tả ngôi làng như sau: “Do cheo leo trên sườn núi cao, làng tách biệt với thế giới bên ngoài. Tới đây, người ta được sống trong một thế giới bình yên và vô cùng trong lành. Đêm khuya, có cảm giác như nghe được cả tiếng những hạt sương nhẹ nhàng đậu trên cành lá. Người làng sống đơn giản và họ bằng lòng với sự đơn giản ấy. Đàn ông hàng ngày vào rừng kiếm tìm thực phẩm còn phụ nữ thì lo việc cơm nước và dạy dỗ con cái. Cuộc sống trôi qua một cách chậm rãi, yên bình”.

720 bậc thang và đường hầm xuyên núi

Ở Trung Quốc, có một ngôi làng trên núi đã nổi tiếng toàn thế giới. Đó là làng Quốc Lương thuộc tỉnh Hà Nam. Làng được hình thành trên một dãy núi dựng đứng, cao 1.700m so với mực nước biển. Muốn vào làng, người ta phải vượt qua một con đường độc đạo gồm 720 bậc thang. Franco Monei cho rằng, chỉ những người mạo hiểm và có sức lực mới có thể tới làng.

Đường đến làng Quốc Lương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

“Để vượt qua 720 bậc thang, bạn phải cần tới vài tiếng đồng hồ. Không ít đoàn khách tham quan đã đành thúc thủ trước những bậc thang đó. Con đường duy nhất để người trong làng ra với thế giới cũng chính là những bậc thang này. Cần phải ghi nhận công lao hết sức to lớn của nhiều thế hệ người làng Quốc Lương. Không thể vài chục năm, mà phải vài trăm năm để người làng tạo ra và hoàn chỉnh con đường bậc thang đó”.

Theo những gì còn ghi lại tới nay thì ngôi làng trên núi cao này đã tồn tại 600 năm. F.Monei không thể hình dung được vì sao trong suốt thời gian dài thăm thẳm đó dân làng vẫn duy trì được cuộc sống, vẫn phát triển, vì rằng điều kiện sống quá ngặt nghèo cũng như khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Mùa hè, nắng mặt trời như nung những vách đá. Còn mùa đông đến, khí núi tỏa ra lạnh lẽo đến rợn người. Chiều tối và trước bình minh, làng chìm trong sương mờ. Nhưng con người vẫn tồn tại một cách kiêu hãnh.

Làng Quốc Lương ngự trên núi Thái Hành. Trước năm 1960, 720 bậc thang là lối ra vào duy nhất của người làng. Nhưng rồi để cải thiện đời sống, dân làng quyết định đào hầm xuyên núi. Thật hết sức đáng nể là sau 12 năm, họ đã đào được một đường hầm dài 1.250m, rộng 4m. 4.000 chiếc búa và 12.000 tấn mũi khoan đã được dùng để mở hầm. Từ đó người làng “mở mày mở mặt”.

Giao thông thuận lợi hơn, khách đến với làng nhiều hơn, từ đó đời sống người dân được nâng lên. Cho dù vẫn được mệnh danh là ngôi làng biệt lập nhất thế giới, nhưng tới nay làng Quốc Lương đã có 83 hộ gia đình với 329 người. Cuộc sống ngày một phát triển.

Vào làng Nagarkot

Nepal được biết đến là một đất nước của những ngọn núi cao hàng đầu thế giới. Nằm trong dãy Himalaya chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam dài 2400km, Nepal lừng lẫy bởi đỉnh Everest cao tới 8.852m.

Làng Nagarkot.

Cũng chính bởi địa hình ấy mà tại Nepal có nhiều ngôi làng cheo leo trên vách núi, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là làng Nagarkot. Tới nay, làng đã trở thành một địa điểm du lịch quốc tế với những cảnh quan hùng vĩ. Người ta đến đây để nghỉ dưỡng và cũng đến để ngắm những buổi chiều hoàng hôn khi mặt trời nhuộm đỏ những dãy núi. Còn vào lúc bình minh, mặt trời từ từ lên cao, rải ánh nắng vàng mơ chan hòa lên cảnh vật.

Làng Nagarkot nằm trên một ngọn núi trong dãy Himalaya. Trên độ cao lên tới 2.195 mét, làng Nagarkot được cho là nơi “khó sống”, nhưng với dân làng thì họ lại rất tự hào và không ai muốn rời bỏ làng ra đi tìm cuộc sống nơi khác. Từ cửa sổ bất cứ ngôi nhà nào trong làng, người ta cũng có thể ngắm thung lũng Kathmandu.

“Thật là một cảm giác khác lạ mà bạn không thể gặp ở bất cứ nơi nào. Làng Nagarkot như là một bộ phận của tự nhiên chứ không chỉ là hòa hợp với thiên nhiên. Đến được làng hết sức khó khăn. Nhưng đã đến rồi thì không muốn quay trở lại vì một sự cuốn hút rất bí ẩn nào đó. Người làng Nagarkot sống chan hòa với thiên nhiên và chân tình với nhau. Bất cứ người khách nào đến với làng cũng được đón tiếp niềm nở. Bạn có thể cùng ăn, cùng ngủ trong một gia đình nào đó. Ban ngày, bạn có thể cùng những người đàn ông vào rừng; hoặc theo chân những người phụ nữ đi lấy lá thuốc”- F.Monei viết.

Cho tới nay, người làng Nagarkot vẫn trồng trọt trên những thửa ruộng bậc thang. Ở đó, vào mùa thu, người ta không trồng lúa, trồng ngô mà trồng cải dầu, tam giác mạch.

Khi cây nở hoa, cả một vùng đất trời bừng sáng và trở nên lung linh một cách lạ thường. Những nương cải chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ, rồi rực vàng ở giai đoạn cuối. Còn tam giác mạch, từ những nụ xanh trắng đến hồng nhạt rồi tim tím bé bỏng nhưng vô cùng đáng yêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ngôi làng trên núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO