Họ là những công nhân, giảng viên, bác sĩ…hay là những người lao động bình thường nhưng dù làm ở các lĩnh vực nào thì vẫn nuôi khát vọng cống hiến, quyết tâm vượt mọi khó khăn, lan tỏa ý chí, tinh thần Việt Nam và trở thành niềm cảm hứng cho cộng đồng.
Trong số 16 tập thể, cá nhân được lựa chọn vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam 2023” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hôm nay (3/6), chúng tôi ấn tượng với câu chuyện của chàng trai trẻ Lương Phi. Dù chỉ còn một chân nhưng anh Phi đã nỗ lực vượt lên số phận, trở thành YouTuber nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện, khơi dậy khát vọng lan tỏa nghị lực sống cho mọi người.
Lương Phi sinh năm 1990, ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Vốn là đứa trẻ khỏe mạnh, thế nhưng năm 3 tuổi, khi Phi đang cùng mẹ và chị gái ngủ trưa thì bất ngờ bị hàng xóm mắc bệnh tâm thần chạy vào nhà truy sát. Từ đó, Phi vĩnh viễn mất đi chân trái và làm bạn với chiếc xe lăn. Tuy nhiên, với niềm lạc quan và nghị lực sống mãnh liệt “chú lính chì” Lương Phi chưa bao giờ khuất phục trước nghịch cảnh.
Anh Phi cho biết, năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh không vào đại học mà quyết định theo ngành công nghệ thông tin tại một trường trung cấp ở Đà Nẵng. Với thành tích học tập loại giỏi, sau khi ra trường, anh được nhận vào làm kỹ thuật viên cho một phòng thu âm. Sau 3 năm làm thuê, anh đã mở được một phòng thu âm của riêng mình ngay tại Đà Nẵng.
Khi cuộc sống dần ổn định, anh Phi cưới vợ và trở thành trụ cột của gia đình nhỏ có 2 con, cũng là điểm tựa cho cha mẹ già. Giữa năm 2018, anh quyết định bỏ ngang công việc, rồi khăn gói về quê, làm YouTube để thỏa mãn đam mê và mong muốn truyền cảm hứng cho những người có hoàn cảnh như mình. Dần dà những clip của “Phi một chân” ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Chỉ còn một chân, thế nhưng suốt hơn 5 năm qua, dấu chân của anh đã in dấu trên khắp các vùng quê nghèo của miền Trung. Những Vlog chia sẻ về các hoàn cảnh khó khăn của những mảnh đời bất hạnh luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các mạnh thường quân.
Đến nay, anh Phi đã làm được hơn 1.000 clip giúp người nghèo, trong đó có nhiều clip đạt hàng triệu lượt xem. Qua đó, nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước đã đồng hành với Phi hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 500 hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều trường hợp đã được Phi kêu gọi giúp đỡ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Từ số tiền đó, bà con đã xây nhà, chữa bệnh… góp phần ổn định cuộc sống. Chia sẻ về thành công của mình, Lương Phi cho biết, bản thân luôn thầm biết ơn và mong rằng sẽ tiếp tục được làm cầu nối giữa các mạnh thường quân với các hoàn cảnh khó khăn, để có thêm nhiều người nghèo được giúp đỡ.
Trong số những người được vinh danh tại “Chương trình Vinh quang Việt Nam 2023”, còn có GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K – một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm. Được biết, năm 2020, GS.TS Lê Văn Quảng nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện K. Nhớ lại thời điểm Bệnh viện K bị phong tỏa vì dịch Covid-19, ông Quảng cho biết, khi đó toàn Bệnh viện K có khoảng 4.000 viên chức và bệnh nhân. Với tinh thần cùng nhau vượt qua khó khăn, bệnh viện vẫn lo được 10.000 suất ăn mỗi ngày cho người lao động và bệnh nhân, đồng thời vận chuyển 780 chuyến xe đưa bệnh nhân về các tỉnh, đảm bảo an toàn, không bị lây lan.
“Khi giãn cách xã hội, nhân viên ít việc, chúng tôi lại cùng nhau chia sẻ, học online về các kỹ thuật mới, để đến khi hết cách ly, chúng tôi lại phát triển kỹ thuật mới học được và học trên mô hình, nâng cao tay nghề cho cán bộ nhân viên. Qua đó, bệnh viện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho cán bộ công nhân viên chức và người lao động” - ông Quảng cho biết.
Vốn là một bác sĩ điều trị, GS.TS Lê Văn Quảng cũng luôn cố gắng áp dụng những kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, tiêu biểu là kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng. Kỹ thuật này đem lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân phẫu thuật u tuyến giáp như thẩm mỹ, an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn. Phẫu thuật này đánh dấu bước phát triển mới về phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam, được quốc tế công nhận. Ông cũng đã có 20 bài báo chuyên sâu về kỹ thuật này được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.