Những nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ ngày càng nhiều

Theo TPO 09/07/2018 10:21

Người trẻ bị đột quỵ do có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nhưng chủ quan không điều trị, không quan tâm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, có các bất thường dị dạng mạch máu não…

Những nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ ngày càng nhiều

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ.

Ở người trẻ, bị đột quỵ do chảy máu não nhiều hơn so với người già ( người già đột quỵ do thiếu máu não) vì người trẻ có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp nhưng chủ quan không điều trị, chủ quan không quan tâm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi; người trẻ có các bất thường dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não… vỡ gây ra gây xuất huyết.

Trong khi đó, ở người già thì mắc các bệnh mãn tính tăng huyết áp, mỡ máu, đái đường… gây nguy cơ tắc mạch cao hơn, dẫn đến đột quỵ thiếu máu não cao hơn ở người cao tuổi.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

“Khi một bệnh nhân bị đột quỵ, người dân thường không có thói quen đưa đi cấp cứu. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên họ chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng, vì vậy nên đã bỏ qua cơ hội để điều trị tối ưu. Đến khi người bệnh có dấu hiệu nặng họ mới đưa đến viện thì đã qua giai đoạn "cửa sổ vàng" để điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ. Những bệnh nhân đến muộn thì trong tình trạng rất nặng”- PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết.

Trên thực tế, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến sớm tính từ lúc khởi phát triệu chứng chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi đó theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.

Do đó, PGS.TS Mai Duy Tôn chuyên gia khuyến cáo, khi một bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ, người chứng kiến cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất. Hãy kiểm tra, quan sát để phát hiện 3 dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đột quỵ như sau:

Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụ từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.

Quan sát xem miệng bệnh nhân có bị mất cân đối, hoặc xệ một bên miệng.

Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hay tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường.

"Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất", PGS Tôn nhấn mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ ngày càng nhiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO