Sau 9 tháng, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu về số lao động tiếp nhận...Có thể nói, sau 2 năm “đóng băng”, xuất khẩu lao động đang hồi phục mạnh mẽ.
Tới tấp đơn hàng
Theo thống kê mới nhất vừa được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố cho thấy, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã về đích sớm. Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 người. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, đạt 114,47% kế hoạch năm 2022 và bằng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thị trường Nhật Bản dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore…
Với thị trường Nhật Bản, Bộ LĐTB&XH đánh giá là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Chia sẻ từ các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài cho thấy, sau 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường XKLĐ bắt đầu hồi phục từ tháng 3/2022, đặc biệt vào những tháng cuối năm thị trường XKLĐ đã lấy lại đà tăng trưởng khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh.
“Nhu cầu tuyển dụng lao động của các thị trường nước ngoài đang tăng nhanh, đặc biệt là tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nguồn cung cũng khá dồi dào, nếu như thời gian trước công ty phải lập nhiều kênh để tuyển dụng thì hiện nay việc tuyển dụng đã dễ dàng hơn vì nhu cầu đi làm việc nước ngoài tăng mạnh. Lý do tuyển dụng không khắt khe, thời gian xuất cảnh sớm hơn, thu nhập người lao động tăng do đối tác tăng lương cũng như tăng phúc lợi cho người lao động” - bà Nguyễn Thị Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Trường Gia chia sẻ.
Tương tự, ông Ngô Bá Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung ứng nhân lực Năm Châu cho biết, hiện nay công ty đang tập trung cao độ tuyển nguồn nhân lực để đáp ứng các đơn hàng cung ứng cho thị trường Nhật Bản. Theo ông Quyết, hiện thị trường Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng khá dồi dào với đủ các lĩnh vực, nghề nghiệp khá đa dạng. Chi phí xuất cảnh thấp, chỉ dao động từ 35 đến 60 triệu đồng, trong khi đó mức thu nhập khá cao từ 20 đến 35 triệu đồng/tháng, tùy từng công việc, trình độ.
Chọn lọc thị trường
Có thể thấy, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã hồi phục mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm tồn tại trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đó là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp. Cùng với lao động bỏ trốn, vấn đề cần tháo gỡ hiện nay đó là tạo việc làm cũng như tận dụng nguồn nhân lực hậu XKLĐ.
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực sau khi trở về nước, ông Ken Arai - Giám đốc điều hành Công ty Hải Phong cho hay, khi tuyển người lao động có tay nghề sẽ giúp công ty giảm chi phí và thời gian đào tạo, nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu phát sinh lỗi và sai phạm nên tiết kiệm rất nhiều chi phí.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng dành phần chi phí tiết kiệm này hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề trước khi sang Nhật. Điều này giúp người lao động khi tham gia chương trình làm việc tại nước ngoài giảm áp lực tài chính ban đầu, tạo tâm lý yên tâm làm việc” - ông Ken Arai cho biết.
Đề cập về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, trong thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Theo đó, sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đi nước ngoài làm việc nhằm học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.
Tại buổi làm việc với ông Nakatani Gen, Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề Việt Nam – Nhật Bản cùng quan tâm, trong đó có chương trình thực tập sinh kỹ năng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề xuất một số vấn đề liên quan đến chế độ tiền lương, trợ cấp đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam. Trong đó, đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, đặc biệt là đánh giá lại chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi,… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn hai bên trong phối hợp thực hiện.
Theo Bộ LĐTB&XH thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.