Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tính đến ngày 15/6, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người (nhiều nhất là Nhật Bản với hơn 32.000 người và Đài Loan (Trung Quốc) hơn 15.000 người); còn lại là Hàn Quốc, Singapore, Hungary, Ba Lan…
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thời điểm này, Việt Nam và nhiều nước đã mở cửa trở lại, khôi phục các đường bay quốc tế, cùng với đó là nhiều thỏa thuận hợp tác về lao động đã được ký kết trong những tháng đầu năm 2022, điều này đã giúp cho thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) khởi sắc trở lại và được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Điển hình, ngày 28/3/2022, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia ký Bản Ghi nhớ về Chương trình lao động nông nghiệp.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác này, dự kiến Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 người/năm, mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52.800.000-66.000.000 VNĐ/tháng).
Cũng trong tháng 3/2022, Bộ LĐTB&XH đã ký kết Bản Ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia. Bộ cũng đã đàm phán Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam với một số quốc gia tiếp nhận lao động; phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 về việc tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Bên cạnh đó, Bộ triển khai việc tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Đức theo Chương trình 3 Bên cùng có lợi (DOLAB-GIZ-ZAV) và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) - hiện đang nhận hồ sơ Khóa 11, thời hạn đến 31/10/2022.
Chia sẻ về hoạt động xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết sau thời kỳ bùng phát, tình hình dịch Covid-19 đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", đặc biệt là thời điểm giữa năm 2022. Điều này kéo theo nhiều tín hiệu tốt trong phát triển thị trường lao động ngoài nước. Trong 6 tháng của năm 2022, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài đạt 51.677 người, trong đó thị trường Nhật Bản với nhiều khởi sắc dẫn đầu về số lượng.
Việc đưa lao động phổ thông, kỹ sư, thực tập sinh sang xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản ngày càng gia tăng về số lượng cũng như chất lượng. Mới đây nhất, ngày 20/6, Bộ LĐTB&XH và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.Việc ký kết bản ghi nhớ lần này bổ sung thêm một số nội dung để mở rộng đối tượng tuyển chọn và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh tham gia Chương trình như: mở rộng độ tuổi tuyển chọn từ 18-30 tuổi (trước đây tuyển chọn ứng viên từ 20 - 30 tuổi) để giúp Chương trình có thêm nguồn lao động trẻ, năng động, đồng thời tiếp tục góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chương trình phi lợi nhuận với quy trình tuyển chọn đảm bảo thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông đại chúng và thông tin tới các Sở LĐTB&XH.
Người lao động tham gia chương trình không mất tiền phí dịch vụ, chỉ phải nộp các khoản chi phí cá nhân như xin cấp hộ chiếu, visa, chi phí khám sức khỏe, tiền ở ký túc xá trong thời gian tham dự khóa đào tạo dự bị và tự túc tiền ăn; được hỗ trợ tiền học phí và ký túc xá trong thời gian đào tạo chính thức.
“Thực tập sinh hoàn thành Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản về nước đúng thời hạn được nhận khoản tiền khuyến khích phát triển sự nghiệp tại Việt Nam 600 nghìn Yên/3 năm thực tập hoặc 1 triệu Yên/5 năm thực tập (tương đương với hơn 100 -180 triệu đồng)” - ông Dung cho biết.
Trước đó, năm 2006, Bộ LĐTB&XH và Tổ chức IM Japan đã ký Thỏa thuận về việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Thỏa thuận này đã được ký lại năm 2010 và năm 2016. Đến nay, hai bên đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử 7.734 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.