Niềm tin ở V-League: Thứ hàng xa xỉ khó mua

Khánh Vy 06/11/2017 08:25

Lẽ ra, một giải đấu như V-League lúc này phải rất hấp dẫn và thu hút được người hâm mộ khi có đến 4-5 đội có thể đăng quang dù chỉ còn 2 vòng đấu nữa sẽ khép lại. Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng nơi nhiều đội bóng dù không còn phải chiến đấu vì thứ hạng nhưng vẫn thi đấu cống hiến, hết mình và giành những chiến thắng ấn tượng thì rất nhiều sân cỏ nơi làng bóng Việt đang mất dần khán giả.

Vấn đề có lẽ không chỉ do những yếu tố chuyên môn mà nó còn đến khi giải đấu đã không tạo dựng được niềm tin thực sự khi vẫn còn đó những nghi ngờ việc một ông bầu có sức ảnh hưởng tới 4 đội bóng và có hay không việc dồn điểm để một trong những “đứa con” của ông đăng quang mùa này?


Trận đấu giữa Sài Gòn FC - Hà Nội FC trên sân Thống Nhất lác đác khán giả.

Từ những sai lầm…

FLC Thanh Hoá có lẽ giờ này đã đăng quang ở V-League mùa này rồi nếu như hàng thủ của họ không thay nhau sai lầm trong những trận cầu quyết định. Ở trận đấu cuối tuần qua, người đá phản lưới nhà, người thực hiện không thành công phạt đền 11 m, FLC Thanh Hoá chấp nhận trận hoà 1-1 ngay tại sân nhà trước B.Bình Dương và gần như “dâng” ngôi vô địch cho 2 đội bóng nhà bầu Hiển. Pha đá phản lưới nhà của Lê Văn Đại trong trận hoà B.Bình Dương vừa qua là sai lầm mới nhất của hàng thủ FLC Thanh Hoá và khiến cơ hội để đăng quang mùa này trở nên xa hơn.

Còn nhớ, trong trận lượt đi trên sân Hàng Đẫy, cú đánh đầu phá bóng cực mạnh, cực hiểm hơn cả một tiền đạo dứt điểm trong thời gian cuối trận của trung vệ Đinh Tiến Thành đã khiến đội bóng xứ Thanh phải nhận thất bại trong trận cầu với đối thủ Hà Nội. Rồi đến trận cầu với Than Quảng Ninh, người ta không thể hiểu nổi tại sao thủ thành Thanh Thắng không bị áp lực lớn lại có thể đường hoàng chuyền bóng thẳng cho tiền đạo Than Quảng Ninh dứt điểm ngay giữa khung thành? Rồi sau đó, đến lượt trung vệ Van Barkel lại ngớ ngẩn phạm lỗi khi bóng đã gần đi hết đường biên ngang ngay trong vòng cấm và khiến đội nhà phải nhận quả phạt đền và rồi để Than Quảng Ninh lội ngược dòng thắng 4-3 trong giai đoạn quan trọng nhất mùa.

Chứng kiến những sai lầm này, NHM không còn lời nào khác mà phải thốt lên “mắc sai lầm như bán độ”.

Sau trận hoà 1-1 với B. Bình Dương cuối tuần qua, cơ hội để đội bóng xứ Thanh đăng quang ở mùa giải mà họ có cơ hội, thực sự khát khao không còn nhiều khi điểm số, chỉ số thua so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Chính điều này khiến NHM xứ Thanh đã phải thốt lên những sai lầm vừa qua của các cầu thủ đã thử thách quá lớn vào tình yêu, vào niềm tin mà họ giành cho đội bóng.

Đến hẹn lại lên, cứ khi V-League trôi dần về những vòng cuối cũng là lúc liên tục xuất hiện các quyết định tranh cãi liên quan tới công tác trọng tài. Ngay từ đầu giải đã rất nhiều tai tiếng liên quan tới trọng tài và những tưởng nó sẽ đỡ hơn nhưng về cuối giải vẫn bùng phát. Những phản ứng của HLV Minh Phương, HLV Huỳnh Đức và cả của HLV CLB Hà Nội Chu Đình Nghiêm ở vòng 23 khiến trọng tài một lần nữa trong tâm bão.

Trận Long An - FLC Thanh Hoá ở vòng 23 tưởng như sẽ là một trận đấu dễ dàng với trọng tài vì sự chênh lệch về trình độ quá lớn giữa một đội bóng đã cầm chắc vé xuống hạng với một đội bóng đang đua tranh chức vô địch, nhưng cuối cùng vẫn xảy ra sự cố. Cách xử lý tình huống khi trọng tài chính không thổi còi, trọng tài biên không phất cờ khi bóng được đưa vào lưới và để cho các cầu thủ ghi bàn ăn mừng chán chê rồi mới từ chối bàn thắng sau khi FLC Thanh Hoá có phản ứng thực sự là một quyết định thiếu nhạy cảm và tinh tế. Những phán quyết của trọng tài khiến HLV Minh Phương đã phải thốt lên “Từ khi còn là cầu thủ thi đấu thì tôi đã từng bị rồi, sự cố trên sân Chi Lăng khi tôi còn khoác áo Long An gặp SHB Đà Nẵng. Chỉ một tích tắc thôi tiếng còi của trọng tài làm ảnh hưởng đến kết quả cả trận đấu. Những hình ảnh đó như trò cười với bóng đá Việt Nam”.

Những lời nói chân thành, mộc mạc, anh không “chém gió”, không dạy đời, không nói kiểu trút giận mà thay vào đó là lời tâm sự của một cầu thủ từng trải sang đến một HLV đang muốn làm tất cả để cứu đội bóng. Thế nhưng cuộc chơi lại quá nghiệt ngã và thiếu công bằng với những người muốn cống hiến, muốn nỗ lực và muốn đá thật. Tiếp đó, HLV Huỳnh Đức cũng phản ứng khi cho rằng có một số vị vua áo đen lập thành các nhóm lợi ích “Tôi làm nghề này đã 10 năm và biết chúng tôi đang ở đâu, còn họ ở chỗ nào. Đã tham dự cuộc chơi thì phải chấp nhận, nhưng tôi vẫn phải lên tiếng vì có những cái thái quá. Có những mối quan hệ ở đây lập thành nhóm, mà như thế thì không làm được trọng tài. Phải công tâm, ra sân thoải mái thì mới thổi chính xác”…

Những phản ứng với trọng tài nội không thiếu và nó càng đáng buồn hơn khi BTC phải mời trọng tài ngoại điều khiển những trận cầu nóng. Cả BTC giải, Ban Trọng tài cũng như những nhà chuyên môn đều thừa nhận rằng, trình độ trọng tài ngoại chưa chắc hơn các trọng tài nội nhưng vẫn phải thuê để giải quyết khâu tâm lý cho các đội bóng. Một trọng tài ngoại có thể vẫn có sai sót nhưng họ sẽ dễ dàng được bỏ qua bởi người ta tin họ công tâm, không bị chi phối. Trong khi đó, cùng lỗi đó nhưng nếu là các trọng tài nội thì chắc chắn họ sẽ hứng chịu chỉ trích, búa rìu dư luận rất nặng nề, bị phán xét về động cơ. Đó chính là dấu hiệu lớn nhất của việc mất niềm tin.

Niềm tin vẫn là thứ xa xỉ

Khi khán giả không có niềm tin thì việc họ phải bỏ những thú vui khác để tới sân cổ vũ thực sự là điều xa xỉ. Đã có những nhận xét vui nhưng thực sự phản ánh sự chua chát khi người hâm mộ quay lưng xung quanh trận đấu được mệnh danh derby khi cho biết sân bóng đã chật kín chỗ khán giả ngồi xem trận đấu nhưng số lượng chỗ nằm còn rất nhiều! Nhiều trận đấu, số lượng khán giả chỉ vài trăm, phần còn lại là khoảng trống mênh mông trên khán đài. Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này, từ chất lượng giải đấu kém, công tác tổ chức, điều hành yếu, trọng tài hay mắc sai sót, nhiều sai sót của cầu thủ khó lường…

Nhưng tựu trung lại, vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay vẫn là niềm tin. Người hâm mộ không thể có niềm tin khi họ tới sân không biết là được theo dõi một trận cầu cống hiến hay phải xem vở kịch trên sân cỏ? Trong họ luôn có sự nghi ngờ về tính trung thực của trận đấu, tính cống hiến của các cầu thủ.

Rõ ràng niềm tin của giới hâm mộ đã và đang bị đánh cắp trong sự bất lực lặng lẽ của VFF, VPF. Nguy hiểm hơn ở buổi chợ chiều V-League, những dấu hiệu bất thường sẽ tăng lên mà nếu không gặp bất cứ phản ứng nào từ Liên đoàn lẫn Ban Tổ chức giải sẽ càng khiến niềm tin trở thành thứ xa xỉ và khó có lại được nơi bóng đá Việt. Khi nhiều người, nhiều cầu thủ đã đánh mất niềm tin thì không thể trách khán giả quay lưng với một V-League thật giả lẫn lộn.

Chừng nào V-League chưa tạo được niềm tin thì đừng mong lấy lại được tình yêu nơi NHM. Niềm tin ít đồng nghĩa với việc các sân bóng tiếp tục vắng khán giả là điều hiển nhiên. Chỉ đến khi nào bóng đá Việt thực sự là những trận cầu thật, không bị chi phối bởi những câu chuyện hậu trường hay lợi ích nhóm và tạo ra sự trung thực thì khán giả mới có thể quay lại hết mình với bóng đá. Bởi điều duy nhất họ cần chính là sự trung thực trong mỗi trận đấu chứ không phải vừa xem vừa nghi ngờ không biết mình có bị lừa không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin ở V-League: Thứ hàng xa xỉ khó mua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO