Nỗ lực khôi phục thị trường lao động

Lê Minh Long 22/10/2021 07:05

Dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, song đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Một trong những bài toán đặt ra khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là cần khôi phục thị trường lao động, thiết lập hệ thống an sinh xã hội đủ rộng để người lao động có cuộc sống ổn định.

Nỗi lo an cư

Trở về quê gần 2 tháng, dù chưa có việc làm nhưng chị Nguyễn Thị Thảo (quê Vĩnh Phúc) vẫn băn khoăn chưa quay trở lại Bắc Giang làm việc. Trước đó, chị làm việc tại Công ty TNHH Youngone Bắc Giang, còn chồng làm tại Công ty TNHH điện tử Rongxin Việt Nam. Hiện nay dịch Covid-19 tại Bắc Giang đã được kiểm soát tốt, công ty cũng có kế hoạch đón công nhân quay trở lại nhưng nghĩ lại quãng thời gian ảnh hưởng dịch, sống xa quê, không người thân thiếu thốn đủ bề nên hai vợ chồng chị vẫn còn đang cân nhắc.

“Làm việc tại Bắc Giang thu nhập của hai vợ chồng cũng ổn nhưng ngại nhất con phải đi học xa, nhà phải thuê trọ nên nhiều hôm làm thêm giờ cũng bí bách. Mọi khi chúng tôi cố gắng vẫn sắp xếp được nhưng trong dịch bệnh mới thấy người thuê trọ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn” - chị Thảo tâm sự.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng cho biết, từ khi ảnh hưởng dịch Covid-19 mới thấy lưới an sinh quá mỏng, người lao động (NLĐ) khi dừng tay là không biết trông vào đâu. “Chúng ta xác định từng bước khống chế dịch và sẵn sàng sống chung với dịch nhưng khôi phục sản xuất để người lao động quay trở lại làm việc vẫn là vấn đề nan giải” - TS Hồng nhấn mạnh.

Đánh giá về chính sách an sinh - xã hội trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trên bình diện chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã tới với người dân. Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và mới đây là Nghị quyết 126 sửa đổi đã đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống. Đây như là bệ đỡ để người lao động nỗ lực vượt khó, vươn lên.

“Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài, phức tạp, những diễn biến mới ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của người dân, khi dòng người từ thành phố, đô thị kéo về quê với số lượng rất lớn. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là phải sớm khôi phục và phát triển thị trường lao động, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế” - ông Dung nhận định.

Hiện dịch đang dần được kiểm soát, tạo đà cho các hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh dẫn đến nhu cầu về lao động là rất lớn. Vấn đề là làm thế nào để đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động.

Cần có những chính sách ràng buộc DN đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, người dân, NLĐ. Mặt khác, độ bao phủ vaccine đang được mở rộng rất nhanh. Những điều này đã góp phần giảm tác động của dịch bệnh tới thị trường lao động và tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Đánh giá về nguồn nhân lực hiện nay - TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Nhà nước phải nhanh chóng thực hiện những giải pháp mạnh, trước hết là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sau đó là phát triển kinh tế. Đối với thị trường lao động, phải thực hiện khai báo tình trạng việc làm, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.

Theo ông Lợi, cần thực hiện hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ và để đào tạo họ quay trở lại thị trường. Nhanh chóng đưa DN, NLĐ và cả nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Và sau cùng đề ra kế hoạch mới để chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phù hợp đặc điểm, tình hình của thị trường lao động sau đại dịch. NLĐ và DN phải có sự phối kết hợp chặt chẽ và Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”.

Phân tích cụ thể hơn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng, DN “đau”, cả nền kinh tế “ốm”. Vì vậy, rất cần sự chung tay của chính quyền và DN, kết nối chặt chẽ để lao động trở lại nhà máy, công trường và hàng hóa có thể đến thị trường.

Thực tế cho thấy, hiện nay trong số 24,5 triệu NLĐ thì có hơn một nửa là NLĐ ở trong khu công nghiệp. Vì vậy, giải pháp lâu dài cần có những chính sách ràng buộc DN đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Hiện nay, vấn đề phúc lợi xã hội cũng như trách nhiệm xã hội của DN vẫn chưa thực sự được DN chú trọng thực hiện. Để DN thực hiện được tốt nhiệm vụ này cần sự trợ lực của Nhà nước, cũng như địa phương bởi có một thực tế nhiều DN có nguồn lực xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học cho công nhân nhưng lại gặp khó khăn về quỹ đất.

“Bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, các địa phương cần tận dụng nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân để bố trí nhà ở cho NLÐ, để họ yên tâm sản xuất. Cùng với đó là tăng phụ cấp cho NLÐ, ứng lương, bổ sung các gói an sinh... là những cách mà DN, địa phương cần tiếp tục triển khai”, chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), cho rằng lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc. Nhưng làm thế nào để giữ chân NLĐ, để họ quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy? Đã đến lúc cùng bàn và đưa ra những chính sách căn cơ để chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho NLĐ tốt hơn, mới có thể thu hút họ quay lại, gắn bó lâu dài với các nhà máy, xí nghiệp.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn: Tạo tâm lý an tâm cho người lao động

Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ khó khăn hơn nhiều và cần thời gian gấp 3 lần như thế. Để nguồn lao động cuối năm không bị khan hiếm, giải pháp trước mắt cần tập trung tạo điều kiện để NLĐ an tâm đi lại, sinh sống và làm việc.

Cùng với đó là thực hiện tiêm vaccine đầy đủ cho NLĐ. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan y tế. Chủ động thực hiện và phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền, vận động NLĐ tích cực làm việc, quay lại DN, tạo sự an tâm, đồng thuận của NLĐ và gia đình họ.

Cùng với đó, DN cần công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động… cho NLĐ. Có chính sách khuyến khích đặc biệt cho những NLĐ gắn bó với DN lúc khó khăn đặc biệt này. Về giải pháp lâu dài, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đời sống cho lao động ngoại tỉnh, lao động tự do, giúp họ vượt qua khó khăn. DN và địa phương phải phối hợp đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho NLĐ của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Các DN cũng cần tập trung đào tạo, tái đào tạo lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho NLĐ để họ đủ tiêu chí làm việc.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền: Cần xây dựng kịch bản để ứng phó

Dự báo, thời gian tới, DN sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động vì dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Trường hợp NLĐ bị nhiễm bệnh hoặc phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm, DN cần xây dựng kịch bản rõ ràng và chi tiết để ứng phó kịp thời. Về lâu dài, DN nên tính đến phương án cơ cấu lại sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu việc sử dụng lao động cho phù hợp với bối cảnh dịch sống chung với Covid-19. Chẳng hạn như thiết lập mạng lưới DN vệ tinh tại các địa phương đang kiểm soát dịch bệnh tốt, để đặt sản xuất các đơn hàng trong trường hợp DN không đủ lao động để làm.

Rõ ràng, đợt bùng phát dịch lần này đã tạo ra thay đổi lớn về cấu trúc lao động giữa các ngành, các địa phương. DN cần hoà mình vào làn sóng chuyển đổi đó để tìm cách làm phù hợp trong ngắn hạn cũng như lâu dài. Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thúy Hằng (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực khôi phục thị trường lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO