'Nở rộ' trung tâm thương mại: Liệu có ế ẩm?

Minh Phương 11/01/2016 10:31

Dù thời gian qua, nhiều trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm đã lâm cảnh ế ẩm  thậm chí phải chịu đóng cửa vì thua lỗ nặng, thế nhưng người ta vẫn chứng kiến hàng loạt các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm liên tiếp mọc lên ở nhiều địa phương trên cả nước. Điều này đặt ra lo ngại, liệu các trung tâm thương mại này có “theo vết xe đổ” của các trung tâm đã từng phá sản trước đó.

'Nở rộ' trung tâm thương mại: Liệu có ế ẩm?

Trung tâm thương mại nhiều như "nấm mọc sau mưa".

Trung tâm thương mại “mọc lên như nấm”

Sau những trung tâm thương mại lớn đã một thời rầm rộ rồi… lại rơi vào yên ắng tại Hà Nội như Parkson, Diamond Plaza; The Garden; Tràng Tiền Plaza, Hàng Da… gần đây người ta lại tiếp tục chứng kiến hàng loạt các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hoành tráng được khai trương tại Hà Nội như Grand Plaza Lotte, Royal City, Time City và gần đây nhất là Aeon Mall.

Tại Hải Phòng, chỉ trong vòng 1 năm qua, người dân tại thành phố này cũng được “tận hưởng” cảm giác làn sóng trung tâm thương mại nhanh chóng lan rộng. Bắt đầu từ Metro, Big C, rồi lần lượt đến Parkson, Coop Mart… ra đời. Tiếp đó là Intimex Minh Khai, Intimex Điện Biên Phủ, Lạch Tray… cứ “nối đuôi nhau” mọc lên.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều trung tâm thương mại lớn cũng lần lượt được ra đời. Cuối tháng 12/2015 vừa qua, siêu thị E-mart (Hàn Quốc) mở cửa khai trương đã chứng kiến cảnh xếp hàng đông đúc của hàng ngàn người dân TP. Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng vừa khai trương đồng loạt 3 trung tâm thương mạ Vincom, và một trong số đó là Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP Hồ Chí Minh), còn lại là các Vincom Plaza Việt Trì (Phú Thọ) và Vincom Plaza Long Xuyên (An Giang)… Tính đến thời điểm này, Vingroup đã có 16 trung tâm thương mại xuất hiện tại 9 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Như vậy, mặc cho đã từng chứng kiến cảnh nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại lớn tại nhiều địa phương đã lâm cảnh “ảm đạm, đìu hiu”, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào để mở ra những trung tâm thương mại mới to hơn, hoành tráng hơn.

Điều này khiến dư luận xã hội băn khoăn, liệu các trung tâm mua sắm hiện đại mới có đi vào “vết xe đổ” của những trung tâm mua sắm trước đó?

Không sợ ế ẩm

Thông thường, cứ mỗi một trung tâm mua sắm mọc lên, người ta lại chứng kiến cảnh chen chúc, xếp hàng của người dân đến tham quan, mua sắm. Đơn cử như Royal City ở Hà Nội, nhớ ngày đầu mới khai trương, hầu như không một ngày nào cảnh chen chúc tắc đường không diễn ra tại trung tâm thương mại này. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, người đến mua sắm thưa thớt dần. Nếu có những ngày khá đông đúc chỉ vào các dịp cuối tuần hoặc lễ tết. Chị Thanh Hương, một nhân viên bán mỹ phẩm tại trung tâm này cho biết, ngày thường rất vắng khách, cuối tuần có đông hơn nhưng chủ yếu người dân đi tham quan chứ số người mua hàng rất ít.

Tình trạng này có lẽ không chỉ xảy ra tại trung tâm thương mại Royal City của Hà Nội mà nó diễn ra ở hầu hết các trung tâm mua sắm trên cả nước. Lúc đầu rất đông đúc người đến tham quan, nhưng càng ngày lượng người càng thưa thớt dần.

Thực tế này khiến người ta lo ngại về số phận của những trung tâm thương mại trong thời gian tới. Bởi theo lý giải của giới chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với nhu cầu mua sắm ở các chợ truyền thống, do đó phong cách hiện đại của các trung tâm mua sắm hiện đại hiện nay còn phải rất lâu nữa người dân mới có thể thích ứng được. Không những thế, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội, nền kinh tế còn khó khăn, mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam thấp nên phần lớn người dân vẫn phải thắt lưng buộc bụng. Và đây cũng chính là lý do khiến các trung tâm thương mại hiện đại chưa thu hút được đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một mạnh mẽ hơn, hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết sẽ là cơ hội để các trung tâm thương mại đón lượng khách lớn cả trong và ngoài nước trong thời gian tới. Trước đó, tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2015: Trung tâm mua sắm và con đường phát triển diễn ra hồi tháng 12 vừa qua, ông Dương Duy Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng đưa ra quan điểm, ngành bán lẻ vẫn sẽ là ngành tiềm năng và việc tiêu dùng trong các kênh bán lẻ hiện đại sẽ trở thành xu hướng trong những năm tới đây.

Theo Bộ Công thương, quy hoạch đến năm 2020, cả nước có khoảng 1200 – 1300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại; 157 trung tâm mua sắm lớn. Do đó, sẽ không đến nỗi quá lo ngại trước thực tế nhiều trung tâm thương mại tiếp tục được khai trương rầm rộ trong thời gian qua. “Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu để đón đầu những cơ hội khi làn sóng hội nhập đang ngày càng mạnh mẽ” – một chuyên gia kinh tế nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nở rộ' trung tâm thương mại: Liệu có ế ẩm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO