Nỗi ám ảnh bao trùm tâm trí những nạn nhân trận lũ lụt 'nghìn năm có một' tại Australia

Mai Nguyễn (Theo VICE) 29/03/2022 14:00

Những tác động phía bên ngoài của biến đổi khí hậu quá dễ để con người cảm nhận, nhưng ẩn sâu bên trong, đó lại là những ảnh hưởng không thể nhìn thấy giữa tâm trí những nạn nhân chống chọi cùng thảm họa.

Những ký ức ‘ám ảnh’

Nhiều tuần sau thảm họa, Freddy Fiori vẫn bị ám ảnh khi nhìn thấy thi thể.

Thời điểm đó, cô đang đi bộ xuyên qua đống đổ nát của một vùng đất vừa bị lũ lụt tàn phá nặng nề, tìm kiếm những người sống sót giữa dốc sườn đồi tại ngôi làng Uki thuộc vùng Núi Warning, cách thành phố Brisbane của Australia khoảng 100 km về phía nam.

Người dân đứng nhìn dòng nước lũ ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.
Người dân đứng nhìn dòng nước lũ ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.

Người đầu bếp 31 tuổi chưa từng nghĩ cô sẽ là người đầu tiên phát hiện ra thi thể. Nhưng trước việc các dịch vụ khẩn cấp không thể hoạt động trong vài ngày đầu thảm họa, nhất là khi những cơn mưa không ngừng trút xuống, Fiori, giống như hàng trăm cư dân địa phương khác, đã phải tự đứng lên để cứu chính bản thân và cộng đồng.

“Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một xác chết — nhưng tình huống này thì khác”, cô nhớ lại. “Chúng giống như một thứ gì đó trong các bộ phim và chắc chắn không phải là thứ bạn đang mong đợi trong khi đang cố gắng tìm kiếm thức ăn cho những người bị mắc kẹt. Tôi quay đầu lại, và thấy điều đó ở ngay trước mắt”.

Đó là một người đàn ông mắc kẹt trong một con lạch nước chảy xiết, cánh tay bị mắc vào khúc gập của một cái cây đổ. Chính dòng nước chảy xiết đã khiến cơ thể anh vẫn còn di chuyển khi Fiori cùng vài người bạn đồng hành lần đầu tiên phát hiện ra. Họ đã cho rằng anh còn sống và đang cố gắng để không bị dòng nước nhấn chìm, vì vậy đã ngay lập tức chạy đến để giúp đỡ.

Người dân cùng nhau tự chống chọi trước trận lũ lụt tại Australia. Ảnh: NY Times.
Người dân cùng nhau tự chống chọi trước trận lũ lụt tại Australia. Ảnh: NY Times.

“Ngay sau khi nhận ra thực tế, chúng tôi đã khựng lại”, Fiori kể, “Những người đi cùng tôi đã nhận ra anh ấy bởi chính họ cũng đang đi tìm người đàn ông này”.

Fiori lo lắng: “Hình ảnh đó vẫn luôn ở trong tâm trí tôi. Cho dù bản thân có đang cố gắng nghĩ về những điều khác, tôi vẫn có thể thấy hình ảnh người đàn ông đó, mỗi ngày”.

Những ‘đám mây đen’ lơ lửng

Fiori hiện đang điều hành một trung tâm cứu trợ ở thị trấn Woodburn, cách Vịnh Byron 50 km về phía nam. Trong ba tuần rưỡi kể từ khi một số trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Australia quét qua khu vực này vào khoảng cuối tháng 2/2022, hủy hoại toàn bộ cộng đồng và khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh ‘cùng cực’, cô đã dành toàn bộ thời gian túc trực tại điểm cứu trợ.

Fiori sẽ thường điều phối các nỗ lực cứu trợ, quyên góp và đảm bảo những người dân địa phương được trang bị mọi thứ họ cần để tồn tại. Và cũng trên con đường đó, Fiori đã cảm nhận được một dòng người, dường như đang lạc vô tận giữa các giai đoạn khác nhau của chấn thương, đau buồn, lo lắng và tuyệt vọng.

Người dân đứng nhìn dòng nước lũ từ ban công nhà ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.
Người dân đứng nhìn dòng nước lũ từ ban công nhà ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.

Tất cả những tác động phía bên ngoài của trận lũ lụt đều quá dễ dàng để nhận thấy: khung cảnh hoang tàn, những đống rác chất đống bên ngoài mỗi ngôi nhà, nhiều hố lớn nằm ngoằn ngoèo trên các chái nhà...

Nhưng giờ đây, dòng nước lũ dần rút đi và toàn bộ chi phí thiệt hại đang được ước tính, có ‘một đám mây đen khác’ đang treo lơ lửng phía trên các cộng đồng. Khi lớp bụi lắng xuống và thực tế bắt đầu hiện ra trước mắt, mọi người đều lo ngại rằng những nạn nhân trong thảm họa có thể đang phải đối mặt với cú sốc tâm lý nặng nề.

Tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt trên khắp miền bắc bang New South Wales, phần lớn cư dân đều hứng chịu những tổn thương giống nhau. Mọi người đang sống tạm ‘vô thời hạn’ trong lều và xe hơi sau khi dòng nước lũ cuốn trôi đi những ngôi nhà. 'Bụi phóng xạ' từ thảm họa này có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ gia đình và việc khôi phục dự kiến ​​sẽ mất nhiều năm. Nhưng đối với nhiều người, điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến.

Trên mặt đất, các vết nứt đã bắt đầu lộ ra. Phía trong trung tâm cứu trợ Woodburn, một người phụ nữ gục đầu trước một bàn chất đầy đồ hộp. Cô con gái nhỏ ôm mẹ, tỉnh táo và hoang mang. Bản thân Fiori đã nhìn thấy khoảnh khắc mà sự kiên cường của con người được bộc lộ, dù chỉ trong một giây, rồi sau đó nhanh chóng chìm xuống dưới sức nặng của nỗi tuyệt vọng.

“Có rất nhiều người không có nhà; họ phải ngủ trong một cái lều tạm bợ — và đó là điều ám ảnh tâm trí tôi mỗi ngày”, cô buồn bã.

Quang cảnh những ngôi nhà bị ngập trong nước lũ ở Woodburn, New South Wales, Australia. Ảnh: NY Times.
Quang cảnh những ngôi nhà bị ngập trong nước lũ ở Woodburn, New South Wales, Australia. Ảnh: NY Times.

Cơn bão tâm lý

Trong bối cảnh trận lũ lụt ‘nghìn năm có một’, một cơn bão hoàn hảo kết hợp nhiều yếu tố đã trực tiếp tạo nên một làn sóng bệnh nhân tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm lý.

Gil Wilson, thư ký chi nhánh của Hiệp hội Y tá và Hộ sinh NSW tại Bệnh viện Cơ sở Lismore — bệnh viện chính của khu vực, nằm ở trung tâm thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ lụt, giải thích: “Ảnh hưởng lâu dài đối với những người mắc bệnh tâm lý là rất lớn”.

Bên cạnh những người có tiền sử mắc bệnh tâm lý, cũng có những người không hề có bệnh từ trước – những người đã đến Bệnh viện Cơ sở Lismore để tìm kiếm sự trợ giúp đối với các triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng sau chấn thương.

“Họ đều là những người đã mất tất cả. Họ bước vào nhà và chỉ nhìn thấy mọi nỗ lực cả một đời người bỗng chốc hóa hư vô”, Wilson nói. “Có những người đã nghĩ rằng họ sẽ chết”.

Những gì còn lại sau trận lũ chỉ là đống đổ nát. Ảnh: Daily Telegraph.
Những gì còn lại sau trận lũ chỉ là đống đổ nát. Ảnh: Daily Telegraph.

Tiến sĩ Grant Blashki, một bác sĩ đa khoa và cố vấn lâm sàng hàng đầu tại dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần Beyond Blue, giải thích rằng, trong khi phản ứng ban đầu của nhiều người đối với một thảm họa như lũ lụt thường sẽ là ‘đau buồn và mất mát’ như một cơ chế tự bảo vệ, có khả năng một số người phát triển các triệu chứng của PTSD (chứng rối loạn stress sau sang chấn).

Theo Blashki, chứng bệnh này có thể đến từ những ký ức hoặc giấc mơ bị xâm nhập; xu hướng lặp đi lặp lại một sự kiện đau buồn trong tâm trí của con người; hay dòng suy ngẫm đầy ám ảnh – nghĩa là, liên tục đặt câu hỏi ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu...?’.

Ông giải thích: “Từ những gì chúng ta biết trong quá khứ, tôi không ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ căng thẳng sau chấn thương tâm lý, trầm cảm, lo âu và áp lực ngày càng tăng. Đó không phải là nguyên nhân tuyến tính, nhưng một vài vấn đề nhất định về sức khỏe tâm thần sẽ trở nên trầm trọng hơn khi chúng ta đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”.

Luôn có những câu chuyện tồi tệ hơn

Australia có rất nhiều tiền lệ cho vấn đề này. 18 tháng sau trận cháy rừng Mùa hè Đen năm 2019-2020, thiêu rụi hơn 24 triệu ha đất và phá hủy hơn 3.000 tài sản và nhà cửa, một đường dây hỗ trợ khủng hoảng dành riêng cho các nạn nhân vẫn nhận được 200 đến 400 cuộc gọi mỗi ngày, phần lớn từ những người tìm kiếm sự trợ giúp khi bị chấn thương và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý kéo dài.

Đám cháy rừng Mùa hè Đen năm 2019-2020 ở Australia. Ảnh: CNN.
Trận cháy rừng Mùa hè Đen năm 2019-2020 ở Australia. Ảnh: CNN.

Một nghiên cứu về vụ cháy Ngày Thứ Bảy Đen năm 2009 cho thấy, 22% cư dân trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn báo cáo các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm lý. Trong khi đó, một nghiên cứu về hậu quả lâu dài của trận lũ lụt năm 2011 ở Queensland đã cho thấy 26% nạn nhân đã báo cáo một số ảnh hưởng sức khỏe do lũ lụt — bao gồm chứng trầm cảm và mất ngủ — 8 năm sau đó.

Sự tích tụ của các thảm họa gần đây cũng có ảnh hưởng, và như Blashki đã chỉ ra, ‘con người hiện đang đối diện với tác động của một loạt các sự kiện thảm họa’.

Đám cháy Ngày Thứ Bảy Đen năm 2009 tại Australia. Ảnh: Weebly.
Trận cháy rừng Ngày Thứ Bảy Đen năm 2009 tại Australia. Ảnh: Weebly.

“Australia đã hứng chịu trận hỏa hoạn năm 2019, lũ lụt và đại dịch. Và có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phân chia thành từng lớp các sự kiện thảm họa sẽ nén áp lực cho cộng đồng và dẫn đến gia tăng tỷ lệ lo âu và trầm cảm”, Tiến sĩ Grant Blashki nói.

Trên toàn thế giới, đã có những nghiên cứu điển hình cho thấy mối liên hệ tương tự giữa thiên tai và sự suy giảm sức khỏe tâm lý trong các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nghiên cứu từ Đại học York và Trung tâm Sức khỏe Tâm thần, nơi đã nghiên cứu về các trận lũ lụt ở Anh từ năm 1968 đến năm 2016 cho thấy, nạn nhân lũ lụt có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm lý lâu dài như PTSD và trầm cảm cao gấp 9 lần so với phần lớn dân số.

Sau siêu bão Katrina năm 2005, tỷ lệ mắc PTSD ở các khu vực bị ảnh hưởng tại Mỹ đã tăng từ 15% vài tháng sau cơn bão lên 21% một năm sau đó, khi ảnh hưởng của cơn bão gia tăng và tỷ lệ người có ý định tự tử cao hơn gấp đôi.

Siêu bão Katrina nhấn chìm nước Mỹ năm 2005. Ảnh: WBUR.
Siêu bão Katrina nhấn chìm nước Mỹ năm 2005. Ảnh: WBUR.

Trong khi đó, một nghiên cứu về tác động của trận lũ lụt Nam Á năm 2019 ở Bangladesh cho thấy, 57,5% những người sống sót có ý định tự tử từ 4 đến 5 tháng sau đó. Hơn 5% đã lên kế hoạch tự sát và 2% đã cố gắng thực hiện nó.

Có vẻ như luôn có một câu chuyện tồi tệ hơn, và nhiều nạn nhân đã nhanh chóng làm chệch hướng sự chú ý khỏi chính bản thân bằng cách tin rằng có những người khác, dù ở bất cứ đâu, đáng được thông cảm hơn họ. Adams đã mô tả điều này như một ‘nỗi đau tập thể’.

Đây giống như một cuộc đấu tranh tâm lý, một loại cảm giác kỳ lạ khiến bản thân con người không muốn cảm thấy rằng ‘người khốn khổ nhất là tôi’.

“Tuy nhiên, tất cả những ai từng chứng kiến những gì đã xảy ra trong khu vực này, họ sẽ không bao giờ quên được”, Fiori nhấn mạnh. “Họ chỉ đơn giản là không thể”.

Một cô gái đứng nhìn dòng nước lũ ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.
Một cô gái đứng nhìn dòng nước lũ ở phía tây Ipswich, bang Queensland, Australia. Ảnh: VICE.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi ám ảnh bao trùm tâm trí những nạn nhân trận lũ lụt 'nghìn năm có một' tại Australia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO