Nỗi khổ mang tên... báo cáo

Lan Hương 29/09/2016 10:15

Vai trò của hoạt động báo cáo trong quản lý nhà nước là không thể phủ nhận, song nhiều bộ, ngành, địa phương cấp cơ sở đang rơi vào tình cảnh “ngộp thở” vì báo cáo.

Cần cải cách chế độ báo cáo.

Số liệu tổng hợp của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp về kết quả thống kê tình hình thực hiện chế độ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2015 cho thấy, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý, quy mô, vùng miền… mà báo cáo phải thực hiện giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương khác nhau về số lượng, loại báo cáo. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ báo cáo thống kê trong tổng số báo cáo phải thực hiện năm 2015 trong khoảng từ 5 - 18%; tỷ lệ báo cáo định kỳ trong khoảng từ 50 - 55%.

Bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo, chỉ tính các bộ, ngành có số lượng báo cáo ở mức trung bình trở xuống, không tính các đơn vị có số lượng báo cáo cao đột biến. Đối với địa phương, bình quân tổng lượng báo cáo một địa phương phải thực hiện tại các cấp hành chính là 2.521 báo cáo với nhiều tần suất khác nhau. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo; cấp huyện thực hiện 534 báo cáo; cấp xã thực hiện 138 báo cáo.

Với số lượng báo cáo nêu trên, thời gian các cơ quan phải thực hiện chế độ báo cáo rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm nghìn giờ làm việc. Đối với cấp bộ, ngành, trung bình thời gian làm báo cáo chiếm 25,04% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ; trong đó nhiều nhất là Bộ Giao thông - Vận tải chiếm 50% tổng thời gian. Đối với địa phương (chia trung bình các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước) chiếm 26,12% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ, trong đó cao nhất là tỉnh Bình Dương, thời gian thực hiện báo cáo chiếm 70% tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ. Đáng chú ý tỉnh Thái Bình đã phải sử dụng 244.729 giờ làm việc; Cà Mau sử dụng 131.813 giờ làm việc; tỉnh An Giang sử dụng 117.262 giờ để... báo cáo.

Đánh giá về việc triển khai báo cáo phản ánh từ các địa phương cho thấy, việc thực hiện công tác báo cáo đã tạo nguồn thông tin tổng hợp, đa dạng phục vụ hiệu quả cho hoạt động phân tích chính sách.

Báo cáo nhiều, áp lực lớn hệ quả là chất lượng báo cáo không đảm bảo.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp Ngô Hải Phan cho biết, do việc quy định chế độ báo cáo có số lượng nhiều, thiếu thống nhất, đồng bộ của các cơ quan, người có thẩm quyền đã dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo về tiến độ thực hiện, sự đầy đủ và chính xác của nội dung báo cáo. “Số lượng báo cáo nhiều (khoảng 2 triệu báo cáo/năm) kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm tới 1/4 tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo như chậm tiến độ, thiếu đầy đủ, chính xác. Việc phải thực hiện nhiều báo cáo gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bố trí cán bộ, thời gian, chi phí thực hiện” – ông Ngô Hải Phan nói.

Trên thực tế có những văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ báo cáo không kịp thời, đúng hạn định do chủ yếu gửi – nhận báo cáo bằng bản giấy nên mất nhiều thời gian. Cán bộ công chức đặc biệt là cấp cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên nhiều khi không thu thập, xử lý thông tin và xây dựng báo cáo dẫn đến báo cáo không đảm bảo chất lượng.

Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cải cách chế độ báo cáo là cần thiết nhằm có thông tin chính xác để hoạch định chính sách, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời góp phần tinh giản biên chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi khổ mang tên... báo cáo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO