Nóng vụ tử tù Hồ Duy Hải

H.Vũ 15/06/2020 23:00

Ngày 15/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tại đây, trước nhiều ý kiến của ĐBQH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã làm rõ một số vấn đề vụ án tử tù Hồ Duy Hải; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói về việc “xuất khẩu gạo lúc nửa đêm”.

Nóng vụ tử tù Hồ Duy Hải

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 15/6.

Bị cáo không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt

Trước nhiều ý kiến ĐBQH đề cập về vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề. Theo đó, đây là vụ án xảy ra từ năm 2008, trải qua quá trình tố tụng, với nhiều cấp, liên ngành tư pháp đã thẩm định. Đoàn giám sát về oan sai của Quốc hội đã vào cuộc. Vụ án đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đến Chủ tịch nước quyết định.

Liên quan đến vấn đề hung khí gây án, theo ông Nguyễn Hòa Bình: Khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Chỉ khi bắt, Hải khai dùng thớt đập đầu nạn nhân thì cơ quan điều tra mới biết, nhưng khi đó cái thớt đã bị dọn đi. Còn về con dao, Hải khai dắt ở bảng trên tường nhà bưu điện nhưng không ai tìm thấy. Sau này cơ quan điều tra biết có 3 dân phòng vào dọn và thấy có con dao trên tường rơi xuống nhưng họ vứt đi.

“Dư luận nói mua dao ở chợ về thay hung khí, nhưng trong hồ sơ chỉ là mua vật tương tự cho Hải và người liên quan nhận diện có đúng với hiện trường hay không. Và khi để ra một loạt dao thì Hải nhận diện đúng dao mà 3 dân phòng đã nhận thấy, dù khi Hải khai trước đó không thống nhất, dao lúc ngắn, dài, lúc dày, mỏng”- ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Nóng vụ tử tù Hồ Duy Hải - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Vẫn theo Chánh án TAND tối cao, Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai nhận tội đầu tiên là tự viết ra, không phải là bản cung kiểu hỏi và đáp. Trong quá trình giải quyết vụ án, ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải đã nhận tội đúng như kết luận. Khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định cáo trạng là đúng. Khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, gửi đơn cho Chủ tịch nước xin ân giảm thì Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Còn người kêu oan là mẹ của Hồ Duy Hải.

Là ĐB ở nơi xảy ra vụ án, ĐB Trương Văn Nọ, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An cho biết đây là vụ án xảy ra trên địa bàn cách đây 12 năm. Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã đưa ra xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.

“Trước kỳ họp này, MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cũng đã có những buổi tiếp xúc cử tri trên 15 huyện, thị, thành phố toàn tỉnh Long An, tập hợp ý kiến. Đến thời điểm này MTTQ cũng không thấy có ý kiến nào của bà con cử tri liên quan đến vụ án này”- ông Nọ thông tin.

Xuất khẩu gạo lúc đêm khuya: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), việc điều hành xuất khẩu gạo lúc đêm khuya đã gây nhiều bức xúc và thiệt hại cho doanh nghiệp, do đó cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong việc này. ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hoà) cũng cho rằng Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về kinh tế phải chịu trách nhiệm vì ngừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới đang lên cao.

Nóng vụ tử tù Hồ Duy Hải - 2

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh Cho rằng trong 3 tháng đầu năm, việc điều hành xuất khẩu gạo có những lúc còn chưa thông suốt. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 lúc đó diễn biến phức tạp thì những quyết định như vậy là cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực và tâm lý người dân. 2 tháng đầu năm, giá gạo tăng rất nhanh, sản lượng xuất khẩu cũng tăng một cách đột biến, tăng tới 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu như 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng cao như vậy thì có thể đến đầu vụ hè thu sẽ thiếu hụt lương thực.

Trong khi đó, tình hình dịch ở Việt Nam hồi cuối tháng 3 cũng tăng rất nhanh. Các nước cũng đang chống dịch vô cùng căng thẳng, tâm lý lo lắng, tích trữ lương thực đã bắt đầu xuất hiện do lo ngại nguy cơ mất an ninh lương thực. Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu.

Từ thực tế trên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sau khi Chính phủ họp cân nhắc tình hình, trong bối cảnh giá gạo trong nước cao, tâm lý của người dân bất ổn. Trên cơ sở báo cáo chung của Bộ Công thương đề xuất quản lý xuất khẩu gạo theo hạn ngạch, tạm dừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại tình hình sản xuất gạo trong nước, Thủ tướng đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo để ổn định giá gạo trong nước. Trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo, nhận thấy sản lượng gạo của vụ đông xuân còn khá lớn, mặt khác các hợp đồng đã ký không ảnh hưởng đến nguồn cung gạo, Bộ Công thương đã báo cáo với Thủ tướng kiểm tra đánh giá toàn diện các hợp đồng, trên cơ sở báo cáo cẩn trọng của các bộ ngành. Thủ tướng thống nhất điều hành xuất khẩu gạo chặt chẽ theo hạn ngạch, trước mắt là 400.000 tấn trong tháng 4.

Liên quan đến những bất cập trong chính sách điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành rút kinh nghiệm, để từ đó hoàn thành khung khổ pháp luật, từ đó điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng vụ tử tù Hồ Duy Hải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO