Nước Mỹ ra sao dưới thời ông Trump?

Linh Chi 20/01/2017 06:00

Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng bầu cử Mỹ 2016 là sự kiện gây bất ngờ nhất đối với không chỉ riêng với nước Mỹ. Nhưng những tín hiệu mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra sau đó sẽ còn tạo nhiều hiệu ứng bất ngờ hơn khi hứa hẹn sẽ xây dựng một nước Mỹ hoàn toàn mới.

Ông Donald Trump và khẩu hiệu xuyên suốt chiến dịch của mình: “Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại”. (Nguồn: ABC).

Người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trục xuất hàng loạt, những người Mỹ gốc Arab sẽ bị theo dõi sát sao và nước Mỹ sẽ “đánh bom tiêu diệt phiến quân IS” như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình- ông Trump từng nói ngay khi còn đang trong chiến dịch tranh cử.

Trong nước Mỹ mà ông Trump hứa hẹn, người Hồi giáo sẽ bị cấm cửa, người tị nạn đến từ Syria sẽ bị gửi trả về nước và hàng loạt các thỏa thuận thương mại tự do sẽ bị hủy bỏ. Mỹ sẽ xây dựng một “bức tường vĩ đại” ngăn cách nước này với Mexico, và Mexico lại phải trả toàn bộ chi phí cho nó.

Chính quyền của ông Trump sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, trong khi sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Và nếu như ông Trump làm đúng các cam kết mà ông từng đưa ra từ lúc tranh cử Tổng thống, tất cả mọi điều ở trên sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, vị tân Tổng thống của nước Mỹ giờ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nhiệm vụ biến những đề xuất chính sách của ông thành các dự thảo luật và cuối cùng là luật chính thức. Nhưng trong bối cảnh nhiều đề xuất của ông đang bị chỉ trích bởi chính một số thành viên trong đảng Cộng hòa ở Quốc hội, ông Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể tới việc phải đoàn kết lại một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc.

Để có thể thành công trong việc hiện thực hóa các chính sách đã giúp ông leo lên đỉnh cao vinh quang trong kỳ bầu cử năm ngoái, ông Trump cần phải thay đổi rất nhiều bộ luật và giá trị của nước Mỹ. Dễ thấy rằng ngay cả chiến dịch của ông Trump cũng là một điều hết sức đặc biệt khi phá vỡ mọi truyền thống chính trị, trở thành vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ chưa từng kinh qua một chức vụ nào trong chính phủ hay quân đội và có xuất thân là một tỷ phú. Và do đó, người dân Mỹ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới chính sách của ông, rằng liệu nó có mang lại lợi ích cho cá nhân ông hay không.

Nhưng trên hết, phần lớn cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump là vì cam kết sẽ lật đổ các truyền thống cũ kỹ trong bộ máy chính trị được coi là pháp điển ở Washington, tạo nên hàng loạt thay đổi lớn trong mọi cơ quan chính phủ nước này.

Bà Melania Trump được coi là người “khó ảnh hưởng” tới những quyết định của chồng.

Tiêu hủy Đạo luật chăm sóc y tế công

Ông Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ “ngay lập tức hủy bỏ và thay thế” Đạo luật chăm sóc y tế cộng đồng Obamacare- một trong những di sản quan trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đây cũng là điều mà các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ mong muốn từ lâu nhưng không thể vì thiếu một vị Tổng thống thuộc đảng này.

Nhưng ngay cả khi ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, việc hủy bỏ và thay thế một đạo luật như vậy vẫn là một nhiệm vụ khó khăn tại Quốc hội, nơi mà các Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ sẽ đấu tranh chống lại nỗ lực của đảng Cộng hòa.

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump sẽ đưa ra đạo luật nào khác để thay thế Chương trình chăm sóc y tế cộng đồng này, nhưng ông từng tuyên bố rằng nó sẽ rất “tuyệt vời” và liên quan tới hàng loạt các cơ chế bảo hiểm của nhà nước.

Chiến dịch trục xuất

Ngay cả khi ông Trump từng liên tiếp đề cập tới việc xây dựng một bức tường ngăn biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico trong các sự kiện tranh cử, kế hoạch của ông vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của thủ lĩnh phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện- ông Mitch McConnell, người liên tục né tránh các câu hỏi về việc ông có ủng hộ đề xuất này hay không.

Bức tường ngăn Mexico cũng chi là một trong vô số các đề xuất chính sách nhập cư gây tranh cãi mà vị tài phiệt địa ốc này đưa ra. Ông từng gọi những người nhập cư Mexico ở Mỹ là những kẻ “tội phạm và cưỡng hiếp”.

Ông cũng từng tuyên bố sẽ trục xuất tất cả những người nhập cư trái phép ở Mỹ. Và trong tuyên bố mới nhất về chính sách nhập cư, ông Trump cho biết ông sẽ tập trung vào việc trục xuất những người nhập cư trái phép từng có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng có nhiều thách thức khi theo thống kê, hiện có tới 11 triệu người nhập cư trái phép đang ở nước Mỹ.

Rút khỏi các thỏa thuận thương mại tự do

Về thương mại, Donald Trump từng tuyên bố sẽ tái đàm phán hoặc hoàn toàn rút khỏi NAFTA, hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico mà ông từng mô tả là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Và ông hoàn toàn có thể làm điều đó mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội, cũng như đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông cũng từng tuyên bố sẽ bác bỏ ngay ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng.

Ông Trump còn cam kết sẽ theo dõi việc Trung Quốc thao túng giá trị tiền tệ và áp đặt thêm hàng rào thuế quan- khoảng 35% đối với một số quốc gia cụ thể và đối với các công ty Mỹ dám chuyển các cơ sở của họ ra nước ngoài.

Những tuyên bố về chính sách thương mại của ông Trump vô hình trung có thể làm thay đổi cục diện nền kinh tế tương tác toàn cầu, vốn đang đi theo xu hướng thương mại tự do. Nói cách khác, ông Trump đang hướng nước Mỹ theo xu hướng thương mại ngược lại, mở ra thời kỳ bảo hộ.

Tập trung tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố

Một trong những phát biểu quan trọng nhất mà ông Trump đưa ra sau khi đắc cử là nước Mỹ sẽ không là một quốc gia chuyên theo đuổi việc lật đổ các chế độ của nước ngoài nữa, mà thay vào đó tập trung vào việc tiêu diệt những kẻ khủng bố. Điều này sẽ lật đổ các chính sách từ thời George W. Bush và Barack Obama, giúp nước Mỹ tránh khỏi tư thế đối đầu với các nước Hồi giáo.

Ông Trump nói rằng ông sẽ tìm cách hợp tác với các nước Hồi giáo mong muốn gia nhập cuộc chiến chống phiến quân IS; nói một cách thẳng thừng rằng “người Hồi giáo ghét chúng ta”.

Tuy những đề xuất chính sách này là hoàn toàn tốt đẹp, nhưng những gì ông từng tuyên bố về người Hồi giáo trong chiến dịch tranh cử của mình sẽ trở thành chướng ngại trong việc thực thi chính sách đó.

Trong các cuộc vận động, ông Trump từng kêu gọi thành lập một cơ sở dữ liệu quốc gia có hồ sơ của tất cả người Hồi giáo đang sinh sống ở Mỹ, thậm chí kêu gọi theo dõi các nhà thờ Hồi giáo trên khắp nước Mỹ. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông còn kêu gọi “cấm cửa hoàn toàn đối với người Hồi giáo muốn tới Mỹ”.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác ông Trump sẽ đưa ra kế sách gì để giúp Mỹ tiêu diệt IS ở Syria và Iraq, nhưng có nhiều lần ông từng hé lộ rằng ông sẵn sàng triển khai hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ tới đó và tuyên bố sẽ “đánh bom tiêu diệt IS”. Cũng có làn ông lại nói rằng muốn Mỹ tránh xa khỏi cuộc nội chiến ở Syria, nhượng tầm ảnh hưởng khu vực cho Nga.

Ông cũng cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Nga và cam kết tái đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chính sách kinh tế

Các đề xuất kinh tế mà ông Trump từng đưa ra tập trung vào việc phá vỡ hàng loạt quy tắc của chính quyền cũ mà ông xem là đã tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước; trong đó bao gồm hủy bỏ các cơ chế bảo vệ môi trường mà chính quyền ông Obama từng thực hiện và tái thiết lập các bộ luật thuế của Mỹ.

Tuy nhiên, cam kết sẽ cắt giảm hàng loạt loại thuế suất trong nước có khả năng ảnh hưởng tới thâm hụt thương mại của Mỹ. Giới chuyên gia chính sách thuế ở Mỹ từng nhận định rằng các đề xuất của ông Trump sẽ gây nên hàng tỷ, nếu không nói là hàng nghìn tỷ USD nợ công của nước Mỹ.

Cuối cùng, rất nhiều chính trị gia ở Wahsington đang lo lắng về việc ông Trump sẽ thực thi bao nhiêu chính sách mà ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình. Nhưng tân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng: “Mọi thứ đều có thể đàm phán được”.

Nhưng dẫu sao thì dự định vẫn là dự định. Hãy chờ xem!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Mỹ ra sao dưới thời ông Trump?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO