Ở nhà vì Covid-19, nhiều trẻ béo phì

Đức Trân 09/09/2021 07:44

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực. Dịch bệnh còn là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ em.

Trẻ thừa cân béo phì gia tăng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, thừa cân béo phì được xem là tăng nhanh đến đáng ngại. Nhất là ở thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên trẻ em phải ở nhà, không có cơ hội tham gia các hoạt động thể lực ngoài trời. Khi trẻ ở nhà, môi trường để trẻ thực hiện và duy trì hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, đó là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thừa cân.

Lo lắng về tình trạng tăng cân mất kiểm soát của cậu con trai 8 tuổi, chị Nguyễn Thanh Hương (36 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Cháu nghỉ ở nhà lâu ngày, buổi trưa không ngủ nên tự tìm đồ ăn vặt như bim bim, kẹo, ban đầu gia đình tôi nghĩ không vấn đề gì, nhưng hiện tại, cháu ăn vặt suốt ngày, mặc dù lượng cơm ăn bữa chính không giảm. Cân nặng tăng nhanh trông thấy.

Ở một góc nhìn khác, bà Vũ Thị Hà (60 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kiên quyết không cho cháu gái sử dụng đồ ăn vặt, tuy nhiên, cháu bé vẫn tăng cân mất kiểm soát. Hỏi ra mới biết, gia đình cho trẻ uống sữa thay nước, bên cạnh đó là các loại thuốc bổ, vitamin để “bổ sung dưỡng chất, chống dịch bệnh”.

BS Vũ Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải: Trẻ ít vận động do không gian chật chội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè (nguồn động lực để ganh đua),…Trong khi đó, gia đình lại có nhiều đồ ăn dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tính ăn vặt, thích là ăn. Các thức ăn vặt là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như bánh kẹo ngọt, bim bim, xúc xích, các loại nước ngọt lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, dễ gây béo phì.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh quan niệm, cứ ăn nhiều thịt, trứng, sữa là bổ và khỏe. Tuy nhiên, họ lại không ước lượng được khẩu phần ăn thế nào là đủ nên thường cho con ăn quá mức. Điều này không chỉ thừa cân béo phì, mà còn gây rối loạn chuyển hóa, nhất là rối loạn chuyển hóa lipid máu. Những rối loạn sớm như vậy sẽ tăng nguy cơ bệnh tim mạch, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ ở tuổi trưởng thành...

Tác hại khó lường

Theo BS Vũ Văn Tiến, tác hại của thừa cân béo phì ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.

Còn GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho rằng: Với những trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống trong giai đoạn nghỉ dịch có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian sắp tới. Với những trẻ đã thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khoẻ và hệ miễn dịch của trẻ. Theo ý kiến chuyên gia y tế, việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hormone mất kiểm soát, chúng phá hỏng khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch.

Theo ông Khánh, để hạn chế trẻ thừa cân béo phì, bên cạnh việc chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho con, phụ huynh cần giáo dục con về dinh dưỡng đa dạng, cân đối, cho con hiểu về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Phụ huynh không nên nuông chiều con bằng cách để trẻ ăn quá mức cần thiết, ăn vặt vào bất kì lúc nào trong ngày, đặc biệt là khi trẻ ở nhà và tủ lạnh có nhiều món ngon hấp dẫn, ăn quá nhiều các món chiên, rán, xào, ăn, uống thực phẩm chứa lượng đường cao hay ăn nhiều đồ ăn sẵn như bim bim, xúc xích... Thay vào đó, bố mẹ cần cho con ăn đủ bữa, đúng giờ.

Đồng thời, cho trẻ hoạt động, rèn luyện thể lực đều đặn tại nhà. Không cho con thức khuya, vừa xem TV, xem điện thoại trong lúc ăn cơm, hạn chế tối đa thời gian tĩnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tất cả trẻ nhỏ nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ. Trong đó, với trẻ 3-4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.

PGS. TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, khi trẻ bị thừa cân béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước giọt. Đồng thời tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở nhà vì Covid-19, nhiều trẻ béo phì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO