Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, chủ đề “béo phì”, “tăng cân” được nhiều người bàn luận.
Bên cạnh bệnh trầm cảm có xu hướng gia tăng, thì nguy cơ béo phì, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, khiến nhiều người lo ngại. Nguy hiểm hơn, thừa cân còn làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi mắc Covid-19.
1. Ở nhà nhiều, ăn nhiều, ít vận động là những nguyên nhân dễ nhận biết nhất trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội “ai ở yên nhà người ấy”. Béo phì càng xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ, khi mùa hè năm nay kéo dài, lại không có dịp đi chơi, vận động ngoài trời.
Chị Hà Vân (ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, con trai chị chuẩn bị lên lớp 5 chỉ quanh quẩn ở nhà. “Trước ngày 24/7 cháu còn xuống sân chơi với mấy bạn trong khu tập thể, nhưng từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay thì suốt ngày ở nhà. Hết đọc sách, xem ti vi, lướt mạng xã hội thì… ngủ. Thành thử đã tăng đến 4 kg”- chị Vân chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình chị Vân, nhiều gia đình khác cũng gặp cảnh tương tự khi mùa hè kéo dài do dịch bệnh và trẻ chỉ có thể quanh quẩn ở nhà, ăn uống dường như không có kiểm soát và vận động thì ở mức “rất ít”. Một số phụ huynh ở thành phố thì lo cho con cái không đủ sức đề kháng trong mùa dịch nên ngoài thực phẩm chất đầy trong tủ lạnh còn mua thêm rất nhiều đồ ăn vặt. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, việc trẻ ở nhà từ ngày nọ đến ngày kia, các hoạt động chủ yếu là hoạt động tĩnh, khiến cho năng lượng cơ thể tiêu hao bị giảm đi, trong khi năng lượng ăn vào không thay đổi, từ đó gây ra sự dư thừa về năng lượng khiến trẻ tăng cân.
Đi bộ, chạy bộ và bơi lội là cách hiệu quả nhất để đốt calo, mỗi ngày 30 phút là chúng ta có thể đạt được mục tiêu cơ bản. Nếu chúng ta muốn giảm cân thì phải vận động nhiều hơn, thêm 10 phút nữa mỗi ngày…
2. Thực tế, trẻ thừa cân, béo phì vốn là câu chuyện không mới ở các đô thị của Việt Nam, không chỉ xảy ra trong mùa giãn cách này. Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020 đã chỉ ra, chỉ trong vòng 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam (từ 5-9 tuổi) tăng gấp đôi từ 8,5% lên 19%.
Còn theo một báo cáo khác của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại 75 trường học ở 5 tỉnh, thành phố cũng ghi nhận tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh khu vực thành thị là 41,9%.
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra, có đến 53% phụ huynh không biết con mình thừa cân, béo phì. Đó là điều cần lưu ý.
Theo TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Bệnh viện Nhi trung ương, các bệnh tật sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ thừa cân, béo phì, so với trẻ em có cân nặng bình thường. Nếu trẻ béo phì bị tiêu chảy, viêm phổi hay bệnh lý về nhiễm trùng, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn, trẻ hồi phục chậm hơn, cần thời gian điều trị lâu hơn, tốn kém hơn.
Theo bác sĩ Thục, chế độ dinh dưỡng thiếu đa dạng, như ít rau xanh, trái cây, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng nhiều thịt, chất béo, chất đạm, tinh bột… cùng sự thúc ép trẻ ăn nhiều hơn so với mong muốn và nhu cầu thực sẽ gây ra dư thừa năng lượng. Song song với đó, việc thiếu vận động trong thời gian dài, năng lượng không được tiêu hao sẽ tích tụ thành mỡ, khiến trẻ tăng cân, béo phì.
TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cũng cho rằng, trẻ em thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn khi trưởng thành. Béo phì trong giai đoạn trưởng thành có thể dẫn đến các bệnh về rối loạn chuyển hóa, mạn tính không lây như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, rối loạn cơ xương… “Về lâu dài, các di chứng của béo phì có nguy cơ làm giảm tuổi thọ của trẻ khi trưởng thành”, bác sĩ Khánh lo ngại.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên sớm thay đổi quan điểm và nhận thức về cân nặng của trẻ. Tuyệt đối không chủ quan khiến tình trạng thừa cân tiến triển thành bệnh. Cha mẹ cần có biện pháp dự phòng béo phì ngay từ những năm đầu đời, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, toàn diện hơn. Cần khuyến khích trẻ tăng cường vận động thể lực, nhất là các hoạt động có thể thực hiện tại nhà như nhảy dây, bật nhảy tại chỗ… Ngay cả trong điều kiện giãn cách, người trưởng thành cũng cần có kế hoạch vận động, tập thể dục mỗi ngày từ 30 - 60 phút.
3. Nguy hiểm hơn, thừa cân - béo phì còn làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi mắc Covid-19. TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) dẫn một phân tích dữ liệu gộp từ 75 nghiên cứu liên quan với hơn 300.000 người bệnh Covid-19 tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cho thấy người béo phì gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 và tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.
Cụ thể, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 46%, tăng nguy cơ nhập viện khi đã mắc Covid-19 lên 113%, tăng nguy cơ chuyển vào khoa hồi sức tích cực (ICU) lên 74%, và gia tăng nguy cơ tử vong lên 48% so với người bệnh có tình trạng dinh dưỡng bình thường.
Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc và tiên lượng nặng khi mắc Covid-19 thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Trước tiên bản thân mô mỡ ở người béo phì kích thích tiết ra nhiều cytokine có tác dụng gây viêm và phá hủy tế bào như interleukin (IL)-1, IL-6, IL-7 và TNF-alpha hơn so với người bình thường. Đây cũng là những nhóm chất mà cơ thể chúng ta bị gia tăng khi mắc Covid-19.
Như vậy tác dụng kép của béo phì và Covid-19 làm gia tăng tác hại của các hóa chất cytokine gây viêm và độc lên tế bào. Bên cạnh đó, ở người béo phì, tế bào miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể như tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cell) và tế bào lympho T bảo vệ màng nhày (mucosal associated invariant T cell, hay còn gọi là MAIT cell) cũng bị khiếm khuyết hay thiếu hụt.
Theo nghiên cứu, mỗi ngày chúng ta tiêu thụ khoảng 100-800 calo với các hoạt động sinh hoạt bình thường. Chúng ta không thể kiểm soát tốc độ chuyển hóa cơ bản, chỉ có thể kiểm soát bao nhiêu calo đốt đi mỗi ngày thông qua các hoạt động thể lực, càng năng động, càng đốt nhiều calo.