Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tỷ lệ trẻ em tuổi học đường từ 5 đến 19 tuổi thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Đáng lo ngại, tỷ lệ này ở trẻ em tiểu học khu vực thành thị là 41,9%. Bộ Y tế nhận định: “Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng gấp ba về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng”. Trong đó, thừa cân, béo phì được xem là tăng nhanh đến đáng ngại.
Thành Trung, học sinh Trường THCS Thăng Long (Hà Nội), 11 tuổi nhưng nặng 56kg. Đặc biệt là từ ngày nghỉ hè (hơn 1 tháng) em lên tới 2kg. Do bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ có hai anh em ở nhà tự nấu ăn nên thực đơn của các em cũng tối giản nhất như là cơm rang, mỳ tôm, bánh mỳ pate và sữa. Bọn trẻ cũng ăn theo sở thích, theo khẩu vị, tức là lúc nào đói thì ăn chứ cũng không ra bữa chính, bữa phụ.
Trường hợp của Trung cũng giống như nhiều trẻ em thành thị. Không ít phụ huynh do chiều theo sở thích của trẻ, thực đơn đa phần là đồ chiên rán, đồ ăn nhanh…và “thả cửa” trẻ uống sữa “để tăng chiều cao”, “tăng sức miễn dịch”… Thực đơn thừa chất cộng với việc quản lý con bằng điện thoại, tivi, khiến trẻ càng lười vận động. Điện thoại và tivi cũng khiến trẻ ngủ muộn hơn. Và do ngủ ít vào ban đêm dễ tăng cảm giác đói, thèm ăn càng tăng nguy cơ béo phì.
Trong một khảo sát của Viện Dinh dưỡng thực hiện với 600 bà mẹ tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng thì có tới 47% người có con có tình trạng dinh dưỡng bình thường lại đánh giá con mình suy dinh dưỡng. Còn trong 27% bà mẹ có con béo phì, chỉ có 2% nhận định đúng về tình trạng của con mình.
Điều đáng nói là nhiều trẻ béo phì nhưng lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Đây là một thực trạng rất đáng quan ngại, bởi nếu chỉ nhìn vào cơ thể mũm mĩm, các vị phụ huynh sẽ rất khó nhận ra vấn đề của con mình để có giải pháp kịp thời.
Ví dụ như trẻ thừa cân rất hay thiếu vitamin D, đây là một chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp xương, làm xương vững chắc hơn, giúp trẻ phát triển cao lớn hơn. Ngoài ra, thừa cân còn khiến trẻ bị rối loạn hệ cơ xương như xương chày, xương cột sống, làm yếu hệ miễn dịch, đặc biệt là những trẻ có mức thừa hơn 10 cân so với tiêu chuẩn.
Theo TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục- Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Nhi trung ương thì hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài.
Một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học Đại học Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số, nội dung sử dụng ảnh hưởng đến tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên. Theo phân tích dữ liệu của hơn 53.000 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những người tham gia thực hiện các hành vi ăn uống lành mạnh (ăn trái cây và rau quả) và không lành mạnh (bỏ bữa sáng và tiêu thụ thức ăn nhanh, khoai tây chiên, mì gói...) liên quan đến thời lượng sử dụng điện thoại thông minh hàng ngày và nội dung sử dụng.