Khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng

Thúy Hằng 23/08/2017 07:35

Sáng ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban kinh tế Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng trong đó có đề xuất xin miễn trừ trách nhiệm đối với người trực tiếp tham gia.

Thừa nhận có nhiều cán bộ xin nghỉ công tác cũng như xin chuyển vị trí khi tham gia xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt làm tốn nguồn lực và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) đề xuất xin miễn trừ trách nhiệm đối với người trực tiếp tham gia.

Trên thực tế việc xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các cán bộ xử lý trực tiếp khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của TCTC được kiểm soát đặc biệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN.

Về hiện tượng nhiều cán bộ xin nghỉ công tác, có ý kiến cho rằng: Đơn giản họ thấy khi tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng rủi ro pháp lý quá lớn. Giai đoạn vừa qua NHNN đã đặt số TCTD vào kiểm soát đặc biệt mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn nhiều gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất.

NHNN cho rằng, nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ các TCTD sẽ dẫn đến những hệ luỵ như: Không khuyến khích huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu lại các TCTD, kéo dài quá trình tái cơ cấu lại các TCTD yếu kém, làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác cơ cấu lại các TCTD.

Dữ liệu được cập nhật mới nhất, hiện nay tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.

Tính đến 31/12/2016 tỷ lệ nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Trình bày quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hiệp Hội ngân hàng nói, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD mà NHNN đưa ra hoàn toàn phù hợp, song cần nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn 2016 – 2020, tái cơ cấu các TCTD gắn với bối cảnh xử lý sở hữu chéo, vốn thực có của NH.

Đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng, quy định chuyển nhượng 1% cổ phần phải có văn bản chấp thuận của NHNN cần phải làm rõ nếu không sẽ dễ bị hiểu nhầm.

Đối chiếu sang với Luật Chứng khoán cho thấy, cứ 1% phải xin phép NHNN thì các tổ chức tín dụng sẽ lách luật bằng cách mua bán ở 0,9% để không phải báo cáo.

Do vậy vị đại diện này cho rằng, ngoài quy định 1% thì nên bổ sung thêm điều khoản như giao dịch cộng dồn, nếu tổng giá trị giao dịch đạt 1% thì phải xin phép.

Chuyên gia đến từ ADB cũng thẳng thắng đưa ra quan điểm, rất thấu hiểu nỗi lo lắng của NHNN về tình trạng cổ đông lớn sở hữu chi phối, song nếu chuyển nhượng 1% cũng phải có xác nhận bằng văn bản sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (C46 Bộ Công an) cũng từng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định tỷ lệ sở hữu vốn và cổ phần, nhưng không quy định việc bắt buộc phải khai báo nguồn tiền mua cổ phần và không cấm việc vay vốn để mua cổ phiếu.

Ma trận sở hữu chéo, đầu tư chéo vì lợi ích nhóm trên thị trường ngân hàng và doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam là nguồn gốc của nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO