Ma trận đồ cổ giả - Bài cuối: Không biết đừng mua

Quốc Trung 05/05/2016 09:05

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hội UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật TP Cần Thơ, khuyến cáo: Để mua một món đồ cổ, người mua cần có kiến thức hoặc phải tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không biết thì không nên mua.

Ma trận đồ cổ giả - Bài cuối: Không biết đừng mua

Các đồ có hình thù cổ xưa được bày bán rất nhiều ở vỉa hè các các chợ.

Ngoài “giăng bẫy” người dân vùng nông thôn, các đối tượng lừa đảo còn giở chiêu trò ở khu vực thành phố, thậm chí đến cả bảo tàng để lừa bán đồ cổ giả...

Thủ đoạn tinh vi

Đang ngồi ở quán cà phê gần Bảo tàng của TP Cần Thơ để chờ liên hệ công việc thì chúng tôi bắt gặp hai thanh niên mặc đồ công nhân ôm hồ lô bát tiên và hai con sư tử bằng đồng cùng một tượng phật tổ. Thấy nghi ngờ, chúng tôi gạ hỏi thì một thanh niên giới thiệu tên Hiếu. Vẫn bổn cũ soạn lại, người này cho biết là công nhân san lấp mặt bằng ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Xe cuốc đào được một cái hũ bên trong chứa các món đồ cổ này nên mang đến bảo tàng nhờ xác minh.

Khi hỏi địa chỉ chỗ đào được thì Hiếu nói là người nơi khác đến nên chỉ biết là quận Cái Răng, không nhớ chính xác địa điểm. Hiếu còn dụ chúng tôi: Sáng giờ có nhiều người xem và trả giá nhưng tôi dứt giá là 220 triệu đồng mới bán. Và khuyến cáo chúng tôi muốn mua thì quyết định sớm vì có người ở Cà Mau đang lên xem. Họ đã đồng ý với giá này…Thấy chúng tôi gặng hỏi nhiều, Hiếu cảm thấy bất ổn nên ôm đống đồ này bỏ đi.

Một người bán ve chai, đồ cũ ở TP Cần Thơ chia sẻ: Đối tượng lừa đảo còn “ăn chia” với các chủ xáng cạp đang làm ở vùng nông thôn. Chúng phối hợp với một số chủ xáng cạp rồi mua một cái tĩn (hũ dùng đựng chất lỏng của người dân ở vùng Nam Bộ), đem chôn từ hôm trước xuống vùng đất mà chuẩn bị xáng cạp sẽ múc. Khi múc đến đoạn này người chủ xáng cạp giả vờ la lên là phát hiện được những món đồ này và tung tin cho người dân gần khu vực này biết để chúng dễ bề thực hiện các bước tiếp theo.

Tiếp xúc với một cán bộ ở Bảo tàng TP Cần Thơ, được biết đã nhiều lần các đối tượng đem đồ vật đến bảo tàng để dò hỏi về xuất xứ của các món đồ này để lừa bán.

Ngành chức năng cần sớm vào cuộc

Trao đổi với ông Ngô Minh Trung, Phó phòng quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL thành phố Cần Thơ về các trường hợp bị lừa mua phải đồ cổ giả, ông Trung cho biết: Trước tiên chưa bàn tới chuyện đồ cổ đó là giả hay thật, mà việc trao đổi mua bán của người dân liên quan đến các món đồ cổ mà không chứng minh được quyền sở hữu, không thực hiện đúng theo quy định pháp luật là đã vi phạm pháp luật.

Còn việc người dân bị lừa bán đồ cổ giả, ông Trung đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Trung cũng khuyến cáo người dân, khi phát hiện cổ vật cũng như có người đến giới thiệu mời mua (mà không có giấy tờ chứng minh hợp pháp) thì người dân nên báo cho chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật...

Đại tá Nguyễn Quốc Sử, Trưởng Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết: Hiện nay chúng tôi vẫn chưa nắm được trường hợp nào do người dân không trình báo. Tuy nhiên, người dân cần hết sức cảnh giác trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hiếu kỳ và lòng tham của người dân để lừa bán đồ cổ giả. Cần báo cho cơ quan công an khi gặp những đối tượng này để kịp thời can thiệp, tránh bị lừa. Những người dân đã lỡ bị lừa mua nhầm đồ cổ giả cũng cần trình báo, để chúng tôi nắm tình hình vào theo dõi, không được tiếp tục lừa bán cho người khác bởi đây là hành động vi phạm pháp luật.

Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP Cần Thơ cho rằng, những hành vi lừa bán đồ cổ giả như trên, kể cả khi nạn nhân bị lừa, xong tiếp tục lừa bán cho người khác, đủ cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều trường hợp rao bán đồ cổ giả. Chúng đưa ra các thông tin để thu hút người dân. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Hội UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật TP Cần Thơ, khuyến cáo: Để mua một món đồ cổ, người mua cần có kiến thức hoặc phải tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Không biết thì không nên mua.

Theo thống kê của chúng tôi, đến nay các nạn nhân mắc bẫy của bọn lừa đảo bán đồ cổ giả khá nhiều, rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng trước pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận đồ cổ giả - Bài cuối: Không biết đừng mua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO