Sẽ có 'một cửa' nhà, đất giá rẻ?

Tinh Anh 09/04/2016 07:15

Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Tài chính xây dựng để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn liên thông trong các việc công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế để triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc- Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết tại buổi họp báo công bố kết quả hoạt động tư pháp trong quý I và triển khai công tác quý II/2016, ngày 8/4.

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, khi Thông tư liên tịch này được ban hành, người dân thay vì phải tự đến công chứng, văn phòng đăng ký nhà đất, cơ quan thuế... để làm các thủ tục liên quan, thì sẽ chỉ phải đến một nơi là tổ chức hành nghề công chứng (hiện nay là các phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân) để làm thủ tục về nhà, đất.

“Tạo ra một cửa về nhà đất sẽ giảm chi phí cho cả người dân và Nhà nước, đồng thời người dân đỡ phải đi lại nhiều vì đã có tổ chức hành nghề công chứng làm cho các thủ tục từ A đến Z. Hơn nữa, mức chi phí cho các thủ tục liên quan đến đăng ký nhà đất cũng sẽ giảm từ 355.000 đồng/ trường hợp như hiện nay xuống còn 145.000 đồng/ trường hợp sau khi Thông tư liên tịch có hiệu lực...” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Trả lời băn khoăn của báo chí: Liệu có là gánh nặng cho các tổ chức hành nghề công chứng, liệu có khiến những tổ chức này lạm quyền sinh nhũng nhiễu người dân? Thứ trưởng Dũng khẳng định, việc quy định người dân đến “một cửa” là các tổ chức hành nghề công chứng làm thủ tục nhà, đất không những không là gánh nặng, mà còn khiến các đơn vị này mừng vì có việc làm và thu nhập.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm tại buổi họp báo là tiến độ công tác cấp mã số định danh khi khai sinh cho trẻ. Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh, trách nhiệm của Bộ Tư pháp là cấp mã số định danh cho trẻ mới sinh từ 1-1/2016 khi làm giấy khai sinh, còn những trường hợp khác thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.

Ông Khanh cho biết, từ khi triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh kết nối cấp mã số định danh đã giải quyết khai sinh cho gần 72.000 người, trong đó số trẻ em được cấp số định danh là gần 69.000. Lý giải vì sao có sự chênh lệch lớn giữa cấp giấy khai sinh và mã số định danh, Cục trưởng Cục Hộ tịch cho biết, đó là do có một số người xin cấp lại giấy khai sinh vì các lý do khác nhau.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Khanh cũng chia sẻ: Trong quá trình thực hiện thí điểm cấp giấy khai sinh kết nối cấp mã số định danh tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đang vấp phải một số khó khăn bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan nên nhiều khả năng khi áp dụng đại trà ra phạm vi toàn quốc không đáp ứng được.

Về nguyên nhân chủ quan, Cục trưởng Cục Hộ tịch khẳng định, hiện có tới 130 đơn vị tại 5 tỉnh, thành phố trên chưa kích hoạt phần mềm kết nối chung. Nhiều cán bộ tư pháp cơ sở yếu kém về nghiệp vụ dẫn đến sai sót trong việc lập lý lịch tư pháp cho trẻ dẫn đến phải chỉnh sửa, thậm chí phải hủy mã số định danh đã cấp. “

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Đại Đoàn Kết về việc tới đây khi soạn thảo Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, Bộ Tư pháp đã tính đến việc định ra chế tài nhằm “ốp” các cán bộ, công chức gây oan, sai cho người vô tội phải nộp trả ngân sách nhà nước số tiền đã ứng ra bồi thường cho nạn nhân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết đã tính đến. Tuy nhiên, ông Dũng không trả lời cụ thể sẽ xây dựng cơ chế như thế nào để giảm thiểu thiệt hại ngân sách nhà nước khi hiện nay các cá nhân, cơ quan tố tụng gây oan, sai hầu như ít trường hợp hoàn lại ngân sách nhà nước.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong quý I-2016 đã kiểm tra 725 văn bản của các bộ, ngành, địa phương và chỉ ra 15 văn bản sai về nội dung, trong đó có 3 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ và 12 văn bản của địa phương. Sau khi phát hiện các văn bản trái luật, Bộ Tư pháp đã gửi thông báo tới 15 bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản trên yêu cầu chỉnh sửa, hoặc hủy bỏ. Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định các bộ, ngành địa phương cũng đã nghiêm túc nhận thiếu sót và đang xử lý các văn bản trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ có 'một cửa' nhà, đất giá rẻ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO