Tìm giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em

K.Lê 03/08/2018 07:11

Thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM cho biết, tại TP HCM trung bình xảy ra 40 - 50 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em/năm. 5 tháng đầu năm 2018, cơ quan này đã thụ lý giải quyết 10 vụ XHTD trẻ em.

Tội phạm XHTD trẻ em đang diễn biến rất phức tạp, đối tượng phạm tội không chỉ là những người học vấn thấp, người lạ, mà còn có cả người có hiểu biết pháp luật (giáo viên, sinh viên, kỹ thuật viên).

Đáng chú ý hơn, trong số các đối tượng phạm tội XHTD, có nhiều trường hợp là người vị thành niên và người 70, 80 tuổi. Thống kê cho thấy, phần lớn đối tượng phạm tội XHTD trẻ em là người thân của nạn nhân (chiếm 60% - 70%, có giai đoạn chiếm 80%)…

Thực tế đánh giá về công tác bảo vệ trẻ em, báo cáo của Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, mặc dù 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được trợ giúp, song các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Cụ thể thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Có điều rất đau lòng là tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) khá cao, lên tới 21,3%.

Tỷ lệ bị xâm hại tình dục bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6% ( theo số liệu được Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (111) ghi nhận).

Đáng chú ý, báo cáo này thừa nhận một thực tế, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội.

Theo các chuyên gia, để xảy ra thực trạng trên là do công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm XHTD còn nhiều bất cập, trong đó có những khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố.

Cụ thể, nhiều trường hợp, cha mẹ làm đơn tố giác hành vi phạm tội đối tượng XHTD con mình, nhưng chính đứa con (nạn nhân) lại không hợp tác, không chịu giám định vì ngại, hoặc vì sợ bạn trai vào tù. Ngoài ra, trong nhiều vụ việc, nạn nhân, người thân để sự việc trôi qua một thời gian dài, có khi hơn 3 tháng mới trình báo cơ quan chức năng. Lúc này, công tác giám định, thu thập chứng cứ, dấu vết gặp khó khăn.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) với quan niệm xã hội, định kiến xã hội liên quan vấn đề giới, trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, nên khi có những vụ xâm hại tình dục xảy ra, cách xử lý không chỉ trẻ em mà còn gia đình, nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước có rất nhiều vấn đề.

Cụ thể, nhiều trường hợp trẻ em về kể với cha mẹ như người này đụng chạm con, quấy rối con thì đôi khi bị cha mẹ mắng con do ăn mặc, hay cách hành xử như thế nào mới dẫn đến tình trạng đó. Ngoài ra, nhiều khi trẻ em chia sẻ với giáo viên thì họ chưa có kĩ năng xử lý. Như vậy vô hình trung đang quy lỗi cho trẻ em khi các em bị quấy rối, xâm hại.

Dự kiến ngày 6/8 tới đây sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống xâm hại trẻ em. Hội nghị sẽ đánh giá, phân tích đúng thực trạng xâm hại trẻ em, để từ đó đưa ra những đề xuất, giải pháp hiệu quả để phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp ngăn chặn xâm hại trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO