Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đi thẳng vào vấn đề nóng

Việt Thắng 18/04/2017 22:00

Ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những vấn đề chất vấn đều là những vấn đề bức xúc, được cử tri và ĐBQH quan tâm. Không khí phiên chất vấn thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

13 vướng mắc trong xử lý chế độ cho người có công

Đề cập đến những bất cập trong giải quyết chính sách cho người có công mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt ra, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Qua rà soát với Mặt trận trong các năm 2014-2015 cho thấy, 2,1 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp chiếm 95,75%; số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp chiếm 4,16% và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp chiếm 0,09%. Hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách, trong đó xác nhận liệt sĩ 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp. Tuy nhiên các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết như: bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh 21% trở lên...

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có 13 vướng mắc lớn nhất là chưa có quy định ưu đãi tham gia kháng chiến sau ngày 30-4-1975 là: một người có công có thể hưởng nhiều chính sách; chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế với người lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa đang sống trong khi bệnh binh được hưởng; chưa cho phép người bị thương giảm lao động 21% được hưởng; còn hạn chế trong việc quy định thân nhân liệt sĩ chỉ hưởng 3 suất là chưa đảm bảo công bằng vì có người có 7 người con hy sinh nên có thắc mắc; chế độ trợ cấp 1 lần với Mẹ Việt Nam anh hùng đã mất nhưng chưa được hưởng chính sách; công nhận liệt sĩ bị oan sai, chính sách nhà ở cho người có công, thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc hóa học, người có công nhưng chưa được hưởng chính sách trong khi đời sống khó khăn. Vì vậy Bộ đã trình Thường vụ mong sửa chính sách đối với người có công.

ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đặt vấn đề: Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, đề nghị Chính phủ, Bộ LĐTBXH có tiếp cận sao cho sâu sát hơn, xác nhận cho kịp thời, tạo ra chuyển biến nhanh hơn trong thời gian tới trong chính sách, cả với thanh niên xung phong.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Chính sách đối với thanh niên xung phong, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng chính sách. Do đó, Bộ cam kết phối hợp chặt với Bộ Nội vụ trong xây dựng. Xác định thanh niên xung phong bị thương chưa công nhận là thương binh, hy sinh chưa công nhận là liệt sĩ là vấn đề tồn đọng cần ưu tiên.

Chỉ đào tạo khi dự báo được nhu cầu việc làm

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cùng một số ĐB cho rằng, hiện đang có tình trạng cung vượt cầu nên có việc sinh viên ra trường thiếu việc làm, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đang còn nhiều vấn đề. Nếu các trường đào tạo không đạt chất lượng thì các ngành giải quyết vấn đề này như thế nào để nguồn lực không bị lãng phí và làm gì để đạt được hiệu quả cao trong đào tạo?

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GD-ĐT từ tháng 1/2017, Bộ đã chính thức bắt tay thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó Bộ tập trung vào 3 đột phá: tăng cường tự chủ; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Chặn thông tin độc

Trong buổi chiều, khi trả lời ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về việc thời gian qua mạng xã hội phát tán tin xấu, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn giải thích: Mạng xã hội giúp người dùng chia sẻ nhanh chóng thông tin. Chính vì thế mạng xã hội đóng vai trò quan trọng, có nước cho rằng mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế trong một số thời gian nữa. Facebook nước ta có 45 triệu người có tài khoản, còn với Youtube thì nước ta là 1 trong 10 nước có lượng người xem lớn nhất. Sự phát triển và thu hút mạng xã hội là xu thế tất yếu. Chúng ta không những không hạn chế mà còn khuyến khích để phục vụ hoạt động cho người dân và sự phát triển sắp tới. Nhưng mạng xã hội như 1 con đường đi, và trên con đường đó có người tốt có kẻ xấu. Người tốt đưa tin tức tốt cho cộng đồng còn người xấu dùng mạng xã hội làm điều ác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN.

“Ở nước ta các thế lực thù địch đang lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, tung tin sai sự thật hoặc thông tin gây hoang mang cho người dân tạo bất an cho xã hội. Ngoài ra mạng xã hội như 1 cái chợ, các kẻ bất lương bôi nhọ, uy tín của người khác, chửi bới nhau trên mạng xã hội. Trên thế giới các nước cũng rất đau đầu còn ở Việt Nam nhận thức của 1 số bộ phận dân cư mạng còn kém, đẩy xã hội bị phơi nhiễm ngày càng mạnh”- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, qua theo dõi, Bộ nhận thấy các trang do Nhà nước cấp phép hoạt động phần lớn đều tuân thủ pháp luật hiện hành. Đối với trang mạng nước ngoài vào Việt Nam, trong 45 triệu người sử dụng facebook ở Việt Nam thông tin của người nước ngoài có tác động lớn đối với nước ta. Trong khi đó các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, kích động nói xấu Đảng chủ yếu xuất phát từ mạng xã hội nước ngoài do nhận thức đây là môi trường ảo tự động phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm pháp luật.

“Năm 2015 xử phạt 11 trường hợp năm, 2016 xử lý 4 trường hợp và từ đầu năm 2017 đến nay chúng tôi đã xử lý 10 trường hợp. Còn đối với trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nước ngoài như facebook, google gỡ bỏ. Đến nay Bộ đã yêu cầu google gỡ bỏ hơn 2.220 video clip sai phạm mà chủ yếu nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát trên kênh youtube. Đến ngày 12/4/2017 Google đã gỡ bỏ hơn 1.700 video clip trên kênh Youtube. Trong tháng tới chúng tôi làm việc tiếp với facebook để gỡ bỏ các trang mạo danh nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trên facebook. Tháng 4 này nhóm điều hành facebook sẽ vào Việt Nam dự kiến là ngày 26-4 để làm việc với Bộ về vấn đề trên. Bộ cũng vừa thành lập tổ công tác xử lý thông tin vi phạm và phối hợp với Bộ Công an để xử lý một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đi thẳng vào vấn đề nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO