Phòng, chống sốt xuất huyết: Phát hiện sớm để giảm tử vong

An Thái 21/10/2022 06:00

Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại Hà Nội số ca mắc vẫn đang tiếp tục tăng; còn tại TPHCM, Sở Y tế vừa có chỉ đạo khẩn triển khai quy trình báo động đỏ SXH.

Thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: TL.

Số ca sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt

Những số liệu thống kê mới đây cho thấy tình hình SXH tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước tình hình đó, ngành y tế thành phố đang phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vệ sinh môi trường. Hiện số lượng bệnh nhân được ghi nhận tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Trong đó, số lượng bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Đan Phượng (137), Thường Tín (78), Thanh Oai (70), Nam Từ Liêm (61).

Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH Dengue. Theo đó, Sở Y tế TPHCM đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nghiêm túc, khẩn trương triển khai và tuyệt đối tuân thủ chỉ định hội chẩn tại quyết định số 3705 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đồng thời tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh SXH của Sở Y tế, tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, đảm bảo người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau…

Sở Y tế TPHCM cũng đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia về điều trị SXH của ngành y tế thành phố. Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị SXH; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị SXH; tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân SXH nặng và tham gia quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân SXH nặng. Sở Y tế TPHCM cho biết đã tổ chức 13 buổi họp rút kinh nghiệm về các trường hợp tử vong trước khi ra văn bản khẩn triển khai quy trình báo động đỏ với bệnh nhân SXH cho tất cả bệnh viện.

Mới đây nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết, số ca mắc SXH của địa phương này đã vượt mốc 5.000. Theo đó, tính đến sáng 19/10, trên tất cả 8 huyện, thị, thành phố của tỉnh Quảng Bình đã phát hiện 5.072 trường hợp mắc SXH. Các ca mắc tập trung chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh và TP Đồng Hới. Quảng Bình cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do SXH là trẻ em (5 tuổi). Bệnh nhi tử vong ngụ thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.

Nhiều ca sốt xuất huyết nặng mới nhập viện

Do có nhiều ca mắc SXH nặng mới được đưa tới viện, các chuyên gia cảnh báo: SXH giảm tiểu cầu nếu không điều trị kịp thời khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Đặc biệt những ngày gần đây đã ghi nhận trường hợp giảm tiểu cầu về 0 G/L, 5 G/L là mức rất nghiêm trọng, hi hữu xảy ra. Vậy dấu hiệu nào để phát hiện sớm được tình trạng này?

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thảo - Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tiểu cầu là các tế bào máu rất nhỏ, được sinh ra từ tủy xương, có chức năng tham gia quá trình đông cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng tiểu cầu còn dưới 150 G/L bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (hay xét nghiệm công thức máu).

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc SXH là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị SXH đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy… Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.

Các biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng của giảm tiểu cầu như xuất huyết trên da: Các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng; Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu…

Đáng lưu ý khi trẻ em bị SXH, việc vô cùng quan trọng là cha mẹ cần phải theo dõi kĩ nhiệt độ trước và sau khi cho con uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt được dùng là Paracetamol đơn chất, liều dùng tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh. Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị, vì có thể gây xuất huyết. Trong quá trình chăm sóc trẻ bị SXH, nếu nhận thấy các biểu hiện như: Trẻ vật vã, lừ đừ, đau bụng ngày càng nặng, xuất huyết dưới da nhưng tứ chi lạnh. Trẻ nôn ói liên tục, xuất huyết tiêu hóa đột ngột… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng, chống sốt xuất huyết: Phát hiện sớm để giảm tử vong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO