Phong vị Sài Gòn

Hồng Đậu 16/10/2016 11:10

Sài Gòn-TP HCM, đô thị trên 300 trăm năm tuổi nổi tiếng với vẻ hào nhoáng của các trung tâm thương mại, những điểm giải trí sành điệu và cũng là chốn lập nghiệp của nhiều người từ nơi xa đến. Ồn ào, náo nhiệt là vậy, nhưng Sài Gòn vẫn giữ được phong vị riêng trong nhịp sống tất bật.

Thưởng thức cà phê bệt.

Ví như một buổi sớm ngồi thưởng thức vị Sài Gòn ở cà phê bệt nằm bên hông Nhà thờ Đức Bà. Có thể chọn chỗ có hướng nhìn yêu thích ra Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn hay Diamond Plaza, sau đó gọi một ly cà phê sữa, thêm một vài món ăn vặt như cá viên chiên, bánh tráng nướng và trò chuyện rôm rả quên thời gian. Nơi đây không kén khách, bất kể bạn là sinh viên, học sinh, công nhân viên chức, người nổi tiếng hay nước ngoài… đều được phục vụ như nhau. Và cũng chỉ vào buổi sáng sớm, người dân hay du khách đến TP.HCM mới có thể hít một hơi thật sâu để cảm nhận luồng không khí trong lành len lỏi vào lồng ngực. Trong không khí có mùi lá cây tươi mới, mùi sương thanh khiết, mùi của sự thong dong trước khi bắt đầu nhịp sống tất bật. Phải chăng sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố càng làm giây phút thanh tĩnh này trở nên đắt giá và quý báu? Chẳng mấy chốc, thành phố sẽ thức dậy với tếng xe máy chạy lướt trên mặt đường, tiếng người cười nói chào nhau, tiếng rao lanh lảnh của hàng rong. Nắng chưa rọi xuống phố, có người đã lướt trên chiếc xe máy với âm thanh giòn giã...

Một điều thật thú vị là ngồi ở cà phê bệt mang lại cho bạn sự thoải mái chứ không gò bó như các quán cà phê hộp. Nơi đây lại rất gần những kiến trúc nổi tiếng nên nếu có thêm thời gian bạn có thể di chuyển để tham quan thêm tuyệt tác kiến trúc Nhà thờ Đức Bà, mua một số đồ lưu niệm nho nhỏ bày bán trong Bưu điện trung tâm Sài Gòn, hoặc làm một chuyến khám phá bí mật bên trong Dinh Thống nhất.

Có một điều khác lạ là thành phố này không có khái niệm ngõ nhỏ, phố nhỏ như Hà Nội. Nhưng trong lòng thành phố có rất nhiều những con hẻm dài hun hút, ngoằn ngoèo. Có đến 80% cư dân thành phố sống trong hẻm nhỏ, rất nhiều hộ gia đình có đến mấy đời gắn bó với con hẻm quen thuộc của mình. Những con hẻm dài, ngoằn nghèo nhiều ngã rẽ giống như một mê cung, mang một ý nghĩa rất riêng, rất Sài Gòn. Người dân sống trong hẻm không cảm thấy phiền hà mà ngược lại, họ càng thích thú khi những con hẻm nơi mình sống mọc lên những quán cóc nhỏ với đủ món ăn chơi. Có lẽ vì vậy, các quán cóc ở những con hẻm Sài Gòn cũng đã tạo nên một nét vẻ riêng cho Sài Gòn giữa một thành phố lúc nào cũng xô bồ, tấp nập với nhiều nhà hàng cao tầng, sang trọng phía mặt tiền ngoài những con đường lớn.

Hẻm nhỏ.

Tính cộng đồng trong những con hẻm cũng thể hiện rất cao trong cách giao tiếp, ứng xử, quan hệ láng giềng. Có những hẻm nhỏ với dãy nhà trọ san sát nhau, là nơi tập trung nhiều người dân đến từ các vùng miền khác nhau lên Sài Gòn lập nghiệp, họ thuê những căn nhà trong các hẻm nhỏ. Hẻm càng nhỏ, càng sâu, giá thuê lại càng rẻ. Hàng ngày, họ ôm đồ ra chợ bán, tối lại đạp xe về nhà trọ trong hẻm nhỏ, kết thúc một ngày mưu sinh.

Nếu muốn cảm nhận phong vị của Sài Gòn-TP HCM lúc đêm về thì nhất định phải ghé đến công viên hầm Thủ Thiêm. Đây là một trong những địa chỉ rất phổ biến trong cộng đồng trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Chiều tối trời lộng gió, ngồi bên đây cầu ngắm nhìn những ánh đèn lấp lánh từ những dãy phố, mới thấy trọn vẹn dáng vẻ yêu kiều của vùng đất này. Nhưng đứng ở nơi này, bạn như đang chứng kiến Sài Gòn ở hai thái cực: Một Sài Gòn hoa lệ, lộng lẫy đến mê hoặc và một Sài Gòn chật vật với những bộn bề, lo toan của người dân nghèo.

Có một điểm tương đồng với Hà Nội, thành phố này quyến rũ bởi những kiến trúc Pháp tuyệt đẹp như: Nhà hát thành phố tọa lạc trên con đường Ðồng Khởi (Q.1) bên cạnh là hai khách sạn Caravelle và Continental. Được xây dựng từ năm 1989, đây là công trình văn hóa tiêu biểu và tốn kém nhất ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, do kiến trúc sư Ferret thiết kế.

Trụ sở UBND TP HCM được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1909, do kiến trúc sư Gardès thiết kế dựa theo motip lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, nơi đây có các tên gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc lý, là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố. Về sau được đổi tên là Tòa thị sảnh. Từ năm 1954 - 1975, gọi là Tòa đô chính Sài Gòn. Sau 30/4/1975 cho đến nay là trụ sở của UBND TP HCM. Nhà thờ Đức Bà có mặt tiền trông ra đường Nguyễn Du, lưng giáp đường Lê Duẩn, hai bên hông là quảng trường Công xã Paris. Công trình này được xây dựng từ năm 1877 đến năm 1880 có chiều rộng 35m, chiều dài 93m, do kiến trúc sư người Pháp Bonard thiết kế, mô phỏng nhà thờ Notre Dame của Paris, nhưng nhỏ hơn và thuộc loại đẹp nhất trong số các nhà thờ ở các nước thuộc địa của Pháp thời đó.

Nhà thờ Đức Bà.

Chợ Bến Thành do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914. Sau khi hoàn thành, người dân gọi là chợ Mới hay chợ Sài Gòn để phân biệt chợ cũ. Sau năm 1957, chợ đổi tên như hiện nay. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp ở trên, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á, được xây dựng từ 1886 đến năm 1891, do kiến trúc sư Villedieu thiết kế. Tòa nhà đồ sộ này tọa lạc trên gò đất cao bên hông Nhà thờ Đức Bà, phía sau là đường Hai Bà Trưng...

Trong đó, Thương xá Tax cũng được xây dựng từ thời Pháp thuộc - công trình này vừa bị dỡ bỏ để xây dựng một trung tâm thương mại lớn, hiện đại cao 40 tầng. Nhưng không ít người dân đã bày tỏ sự tiếc nuối, hụt hẫng bởi đây là nơi từng gắn bó với người dân Sài Gòn hơn trăm năm qua. Một người dân với Sài Gòn tâm tư: Tuổi thơ của tui là những ngày trốn nóng ở thương xá Tax, là ăn khô mực nướng gần vòng xoay cây liễu, là ngồi tán dóc ở công viên Mê Linh... ngủ ngoan nhé những ký ức một thời đã xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phong vị Sài Gòn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO