Phụ huynh bất an khi con học trực tiếp, nhà trường xử lý thế nào?

Nguyễn Hoài 21/02/2022 14:10

Nhiều phụ huynh cho rằng, lớp học xuất hiện F0, nửa lớp học học trực tiếp, số còn lại chuyển học trực tuyến hoặc cả lớp chuyển trạng thái học trực tuyến, nếu tình trạng này cứ diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng tâm lý và kết quả học tập.

Lớp học chuyển học trực tuyến

Sau 2 tuần trường học mở cửa trở lại, lớp của con gái chị Lưu Thảo Trang (quận Tây Hồ, Hà Nội) xuất hiện nhiều trường hợp học sinh, giáo viên mắc Covid-19.

Chị Trang cho biết, theo quy định, số học sinh F0 và F1 chuyển học trực tuyến. Tuy nhiên, do lo lắng cho sức khỏe của con, nhiều phụ huynh đã xin phép giáo viên chủ nhiệm cho con học trực tuyến. Thứ 7 vừa rồi, cả lớp chỉ còn chưa đầy 10 học sinh đến lớp học trực tiếp. Phụ huynh trong lớp đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho cả lớp học trực tuyến.

“Trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường tạo điều kiện cho cả lớp con tôi và một số lớp có nhiều F0 chuyển học trực tuyến từ tuần này”, chị Trang cho hay.

Học sinh đo thân nhiệt trước khi vào lớp học trực tiếp.

Theo cách xử lý của các nhà trường, trường học xuất hiện F0, những nhóm học sinh nào liên quan đến F0 thì chuyển sang học trực tuyến, học sinh còn lại vẫn học trực tiếp.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết, sau khi nhận thông báo học sinh mắc F0, nhà trường tiến hành rà soát, kiểm tra sức khỏe những học sinh tiếp xúc gần với học sinh bị F0, cho các học sinh này chuyển hình thức học trực tuyến và theo dõi sức khỏe trong 1 tuần theo hướng dẫn của nhà trường. Bên cạnh đó, các lớp còn lại vẫn duy trì việc học trực tiếp bình thường.

“Nhà trường đã thống nhất cùng phụ huynh về việc cho học sinh trở lại trường thời điểm này phải xác định thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, không xử lý cứng nhắc. Hai bên cùng thống nhất, cha mẹ sẽ là đầu mối theo dõi sức khỏe cho con trước mỗi buổi đến trường. Nếu con có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cha mẹ lập tức báo với giáo viên chủ nhiệm để báo cáo lại với nhà trường có phương án cho học sinh nghi F0, F1 chuyển hình thức dạy học”, bà Hạnh cho hay.

Theo bà Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), quan điểm của trường không đóng cửa toàn bộ mà khoanh vùng hẹp nhất có thể, chỉ học sinh nào tiếp xúc gần, ngồi cạnh, vui chơi với F0 nguy cơ lây nhiễm cao mới được coi là F1. Sau 7 ngày cách ly, F1 có thể quay trở lại trường nếu xét nghiệm đủ 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR.

Không cứng nhắc, cực đoan

Sau 2 tuần mở cửa trường học, tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 một số địa phương tăng mạnh. Điển hình Hải Phòng 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hoá 2.359 ca...

Nhiều cơ sở giáo dục vẫn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh, thậm chí cả lớp hoặc cả trường phải tạm nghỉ học chuyển sang học trực tuyến.

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 do Bộ Y tế phối hợp Bộ GDĐT tổ chức mới đây, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng nêu hiện tượng nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện vài ca F0. Theo ông Nam, đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp với y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý, tránh lây lan rộng trong trường học.

Theo tìm hiểu, đa số phụ huynh đều nêu quan điểm rằng, lớp học xuất hiện F0, nửa lớp học học trực tiếp, số còn lại chuyển học trực tuyến hoặc cả lớp chuyển trạng thái học trực tuyến, nếu tình trạng này cứ diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng tâm lý và kết quả học tập, gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.

Trước lo lắng của phụ huynh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trong bối cảnh nới lỏng các hoạt động, việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi, nhất là việc đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, có thể lây theo yếu tố gia đình, lây theo khu vực. Do đó, trẻ đi học có thể bị nhiễm bệnh và ở nhà cũng có thể bị bệnh.

Theo ông Phu, phụ huynh cần cân đối rủi ro và nhận thức rõ việc cho trẻ đi học trở lại là cần thiết và không nên quá lo lắng khi cho con em mình đến trường. Chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch ở nhà, cộng đồng và nhà trường rồi. Ở đâu có ca mắc sẽ xử lý ở đó, không nên bắt cả lớp, cả trường nghỉ học.

Cũng theo ông Phu, nhà trường nên tăng cường các biện pháp phòng bệnh, tuyệt đối tránh để lớp này tiếp xúc với lớp kia, như vậy, việc khoanh vùng tốt hơn nếu có ca mắc tại lớp đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ huynh bất an khi con học trực tiếp, nhà trường xử lý thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO