Phú Yên hiện có hơn 60 nghìn người là đồng bào các dân tộc thiểu số: Ê Đê, Chăm, Ba Na và một số đồng bào Tày, Nùng, Dao, Thái di cư từ phía Bắc vào. Tảo hôn từng tồn tại dai dẳng ở một số xã vùng cao. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó tình trạng tảo hôn đang đẩy lùi.
Huyện Sông Hinh có hiện có gần 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đây là địa bàn có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số lớn trên địa bàn Phú Yên. Những năm qua, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra một số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17. Đặc biệt, nạn tảo hôn thường đi kèm với đói nghèo khi tường xảy ra tại những buôn có kinh tế khó khăn.
Trước thực tế đó, Sông Hinh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tảo hôn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun, thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vận động đồng bào thực hiện theo quy định; tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình điểm và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện… Nhờ đó, thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết có phần chuyển biến tích cực so với trước. Hiện tình trạng tảo hôn vẫn còn nhưng chỉ xảy ra ở một số đối tượng như thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật và tiếp cận các phương tiện truyền thông còn hạn chế.
Huyện Sông Hinh lựa chọn việc tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào đối tượng học sinh ở tuổi vị thành niên. Thầy Hồ Viết Thiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Bia, huyện Sông Hinh, cho biết: “Nhà trường phối hợp với Phòng Dân tộc huyện cung cấp kiến thức phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu cho học sinh. Việc triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông đã tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của các em, qua đó giúp các em hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.
Phương thức truyền thông về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng được đổi mới với các hình thức gần gũi, dễ tiếp cận, đặc biệt qua hình thức sân khấu hoá. Chẳng hạn, với các em học sinh, các huyện, các ngành phối hợp tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi đội thi sẽ xây dựng một tiểu phẩm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ. Những tiểu phẩm này là hình thức truyền thông sinh động, dễ nhớ đến cộng đồng và được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương, nhất là các huyện: Sông Hinh, Sơn Hoà, Đông Xuân – nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Song song với hoạt động của các huyện, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên còn tổ chức chuỗi những hội nghị tập huấn tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong Quý III vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên đã phối hợp với UBND các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn trên địa bàn 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (xã Phước Tân, Sơn Hội, Cà Lúi, Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Xuân Lãnh, Phú Mỡ, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Trol) tổ chức 12 hội nghị tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng tham gia là đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, Hội đoàn thể xã, cán bộ phụ trách về công tác dân tộc, cán bộ tư pháp, cán bộ Đài truyền thanh – Dân số – Kế hoạch hóa gia đình – Trẻ em; Ban Công tác Mặt trận của xã, thôn (buôn), cộng tác viên dân số thôn (buôn), người có uy tín… và đại diện một số người dân của các gia đình có nguy cơ cao sẽ xảy ra nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các thôn (buôn) trong xã.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe các báo cáo viên thông tin về thực trạng, nguyên nhân tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số mô hình hiệu quả trong tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số chính sách dân tộc liên quan; hướng dẫn kỹ năng truyền thông về các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và Gia đình; các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình; kỹ năng xử lý các tình huống. Hội nghị tập huấn nhằm trang bị kỹ năng, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho cán bộ cơ sở và bà con nhân dân trong công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những hoạt động này đem đến hiệu quả rõ rệt khi nhận thức người dân được tăng lên. Thôn Tân Hải (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) có gần 100 hộ, với trên 380 người. Ông Sô Minh Dế, Trưởng thôn Tân Hải, cho biết: “Nhờ có sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan, ban ngành, những năm gần đây, nhận thức của đại bộ phận đồng bào ở thôn Tân Hải về Luật Hôn nhân và gia đình đã được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn. Người dân đã nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật nên dạy bảo con cháu, vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.
Hiện nay, thôn đã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn như nhiều năm trước. Bà con ngày càng ý thức được hậu quả của nạn tảo hôn và luôn ủng hộ chính quyền địa phương, vận động con cháu kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Những tín hiệu đáng mừng này cũng đang “nở rộ” ở nhiều địa bàn khác, giúp cho Phú Yên ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững.