Quan tham “trắng tay”

Hữu Nguyên 06/08/2015 09:10

Thu hồi tài sản tham nhũng hiện đang là khâu yếu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây lại chính là một hoạt động rất quan trọng, là vấn đề xã hội quan tâm, đồng thời cũng là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Vụ Giang Kim Đạt tham ô 18,6 triệu USD, cho thấy khối lượng tài sản quốc gia mà một cán bộ chỉ ở cấp trưởng phòng có thể chiếm đoạt được trong một thời gian ngắn là điều đáng suy nghĩ. Bình luận về hiện tượng này, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng đây không phải là trường hợp duy nhất. Ông Tuấn cũng cho biết, năm 2013 tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được chưa tới 10%; năm 2014 có khá hơn, lên đến trên 22%. Tuy nhiên, con số đó cũng chỉ mới căn cứ trên những vụ tham nhũng đã phát hiện. Nếu so sánh với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt do tham nhũng trên thực tế thì tỷ lệ thu hồi còn thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh những hình phạt thích đáng cho kẻ tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng là chuyện đương nhiên phải làm của nhà chức trách. Điều đó không chỉ là thực thi pháp luật một cách nghiêm minh mà còn phù hợp với lẽ công bằng mà đạo lý xã hội đòi hỏi một cách chính đáng. Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng còn là một trong những hoạt động quan trọng, hiệu quả nhằm triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng.

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng đều cho rằng, vì tiền, vì ham muốn cuộc sống giàu có cho gia đình, những tội phạm tham nhũng sẽ không ngần ngại “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Do đó,cần có biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để đánh mạnh vào động cơ thường nghiêng về lợi ích kinh tế của nhóm tội phạm này thì việc phòng chống tham nhũng mới thực sự có kết quả.

Một cuộc khảo sát mới đây do Viện Khoa học Thanh tra và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đánh giá về nguyên nhân của việc tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, cho thấy: 33,9% số người được hỏi cho rằng cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế, vướng mắc; 22,8% cho rằng nguyên nhân do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản; 29,7% số người được hỏi cho là chưa có quy định về tịch thu tài sản mà không được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp; 23,5% cho rằng hoạt động giám định tư pháp xác định thiệt hại tài sản do tham nhũng còn hạn chế, bất cập; 22,2% số người được hỏi cho rằng chưa có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.

Cơ sở pháp lý cho việc phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có ở nước ta hiện nay tuy đã có khá nhiều, song hãy còn không ít bất cập. Chẳng hạn như một trong những nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trở nên khó khăn hơn do quy định chỉ có thể thu hồi tài sản tham nhũng khi có bản án hình sự của tòa án. Điều này có nguyên nhân từ quan niệm còn hẹp của luật pháp hiện hành khi định nghĩa về tài sản tham nhũng. Hầu hết các nước trên thế giới định nghĩa tài sản tham nhũng là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Hiện quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng.

Vì vậy, muốn thu hồi tài sản tham nhũng thì trước hết phải chứng minh có hành vi tham nhũng. Quá trình chứng minh rất phức tạp, công tác điều tra, truy tố, xét xử thường kéo dài. Đến khi có bản án xác định hành vi tham nhũng, áp dụng các biện pháp thu hồi thì đã quá muộn. Tranh thủ những “kẻ hở” không nhỏ do chưa thiết lập được cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của các tầng lớp cư dân trong xã hội, nên các quan tham đã kịp tẩu tán tài sản và trở thành những kẻ “trắng tay”, không còn gì để thu hồi nữa.

Thu hồi tài sản tham nhũng đã tẩu tán ra nước ngoài càng khó khăn hơn, bởi cho đến hiện nay chưa xác định được cơ quan đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản, chưa có trình tự, thủ tục cụ thể để thực hiện sự hợp tác với các nước trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Do đó, cần có ngay một cơ quan chuyên trách trong việc hợp tác với các nước để thu hồi tài sản tham nhũng từ Việt Nam tẩu tán ra nước ngoài và ngược lại.

Việc mở rộng khái niệm thu hồi tài sản tham nhũng như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện là hết sức cần thiết. Có mở rộng khái niệm thì mới có cơ chế để các cơ quan chức năng ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng ngay từ khi có dấu hiệu. Theo đó cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra có quyền đề nghị các cơ quan chức năng niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng ngay từ đầu, chứ không nhất thiết phải đợi đến khi có bản án của tòa.

Các chuyên gia về pháp luật phân tích, khi nói đến thu hồi tài sản tham nhũng, nhiều ý kiến băn khoăn là Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tài sản của công dân, mà tài sản thì có thể chuyển từ sở hữu này sang sở hữu khác nên không dễ “đụng” vào. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng Hiến pháp và pháp luật chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân, còn tài sản không hợp pháp dĩ nhiên không được bảo hộ. Tiếp cận vấn đề như vậy sẽ thấy rằng tài sản bất hợp pháp, tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì cơ quan chức năng có quyền xử lý theo quy định pháp luật, bao gồm cả việc thu hồi và tịch thu.

Một trong những điều kiện quan trọng để có thể làm tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng là Nhà nước phải thiết lập một cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của các tầng lớp cư dân trong xã hội. Đặc biệt chú ý tới những đối tượng có chức vụ, quyền hạn.

Khi đã có cơ chế kiểm soát tốt thì nhà chức trách mới có đủ cơ sở và điều kiện để phân định đâu là tài sản hợp pháp được pháp luật bảo hộ và đâu là tài sản bất hợp pháp. Như vậy, nếu nhìn rộng ra từ góc độ kiểm soát thu nhập, tài sản và sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng khác nhau, đồng thời với hợp tác quốc tế thì hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn có nhiều triển vọng. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy minh bạch tài sản, thu nhập mà đặc biệt là của các quan chức dưới sự giám sát công khai của người dân, là một trong những điều kiện tiên quyết để đấu tranh triệt để với hành vi tham nhũng, thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tham “trắng tay”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO